Nestle và tập đoàn Olam International đã đầu tư vào các nhà máy chế biến cà phê ở Việt Nam nhằm tận dụng xu hướng nhu cầu cà phê hòa tan đang tăng nhanh trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thông qua xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến nhiều hơn nữa.

Olam vận hành một nhà máy sản xuất cà phê hòa tan ở Long An từ năm 2010 và mở rộng năm 2012.  Nestle thâm nhập thị trường cà phê hòa tan Việt Nam năm 1997, tập đoàn này đang sở hữu một tổ hợp sản xuất ở Đồng Nai với tổng đầu tư 270 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 15% tổng sản lượng cà phê sẽ được sử dụng để chế biến cà phê hòa tan đến 2020, nghĩa là gấp 3 lần hiện tại.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tiêu thụ cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng 62% trong vòng 1 thập kỷ qua, vượt qua tốc độ tăng 20% đối với tiêu thụ cà phê rang xay. Theo ước tính của Olam, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan sẽ tăng khoảng 3% trong 3-5 năm tới do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường mới nổi tăng.

 “Đặc biệt ở châu Á, sự thuận tiện của cà phê hòa tan đang hấp dẫn người tiêu dùng ngày càng có thói quen “nhanh, gọn nhẹ”, Vivek Verma, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận dịch vụ tài chính hàng hóa, sữa, cà phê tại Olam nhận định. Theo ông, tại nhiều thị trường mới nổi, việc tiêu thụ cà phê còn thể hiện địa vị xã hội.

Theo số liệu của Tổ chức và phê quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng 2,3%/năm  giai đoạn 2011 – 2014. Trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống tăng 1,5% thì các thị trường mới nổi tăng 4,6%. Quy mô thị trường cà phê hòa tan đã mở rộng lên 5,5 tỷ USD năm ngoái, từ mức gần 3,7 tỷ USD năm 2007, theo Olam.

Cà phê hòa tan chiếm khoảng 14% tiêu thụ cà phê toàn cầu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn thứ 5 thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng tăng lên 9,1% từ 1,8% cách đây 5 năm. Brazil dẫn đầu thị trường chiếm 24%, giảm so với mức 29%.

 “Chúng ta hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng nếu dạo quanh châu Âu, Mỹ và châu Á, hiếm khi nào bắt gặp cà phê mang thương hiệu riêng của Việt Nam. Giá trị gia tăng của chúng ta vẫn còn rất nhỏ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát từng phát biểu như vậy hồi tháng 3.

Carlos Mera Arzeno , chuyên gia phân tích tại Rabobank International cho rằng, Việt Nam có thể tăng sản lượng cà phê hòa tan nhờ chi phí sản xuất và nhân công thấp trong khi lại rất sẵn có cà phê robusta.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với sức cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Ấn Độ được dự báo tăng mạnh nhất 4 năm trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016, theo Hiệp hội xuất khẩu cà phê Ấn Độ. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2015 của Việt Nam giảm 36%, xuống thấp nhất kể từ 2010.

Thêm vào đó, các nước châu Á khác cũng đang tăng cường năng lực sản xuất cà phê hòa tan như Malaysia, Lào, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc. Brazil được dự báo tiếp tục dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan trong 5-8 năm tới do nội tệ định giá thấp tạo ra sức cạnh tranh lớn.
Minh Phương
Theo Bloomberg