Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, Bộ Tài chính vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện sửa đổi mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn từ 0% lên 5% (Thông tư 63/2015/TT-BTC) để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay.

Lượng sắn lát tồn kho (khoảng 500 nghìn tấn) hiện nay nếu xuất khẩu sẽ lỗ và doanh nghiệp xuất khẩu sắn sẽ giảm giá thu mua, giảm lượng thu mua đối với sản lượng sắn đang trồng của vụ mùa này của người nông dân.

Theo đó, việc dừng thực hiện Thông tư 63 sẽ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát và người nông dân trồng sắn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 63 theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1/1/2016.

Với giá thành để xuất khẩu tại thời điểm tháng 12-2014, giá xuất khẩu bình quân hiện tại của năm 2015, nếu áp dụng thuế xuất khẩu 5%, doanh nghiệp sẽ bị lỗ hơn 10 USD/tấn (tương đương hơn 229 nghìn đồng/tấn). Nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu 2%, doanh nghiệp sẽ bị lỗ 5,2 USD/tấn (tương đương 114 nghìn đồng/tấn) và nếu áp dụng mức thuế xuất khẩu 1% doanh nghiệp sẽ bị lỗ 2 USD/tấn (tương đương 43,6 nghìn đồng/tấn).

“Với mức thuế suất 1% hoặc 2%, doanh nghiệp vẫn lỗ nhưng để doanh nghiệp xuất khẩu phải tính toán cân đối lại các chi phí liên quan, giá thu mua sắn từ người nông dân và giá xuất khẩu sắn” – theo Bộ Tài chính.

Sau khi có Thông tư sửa đổi Thông tư 63, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình tăng dần mức thuế xuất khẩu sắn cho phù hợp với lộ trình áp dụng xăng sinh học và tình hình tiêu thụ sắn trong nước.

Trước đó, như Vinanet đã phản ánh, việc Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 0% lên 5% là quá cao, quá gấp, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho nông dân trồng sắn, và cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát.

 

Hà Bình