Nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục lên tiếng thúc giục Bộ Công thương sớm áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, thay vì chờ đợi đến kết luận cuối cùng.

Trong khi đó, sau khi Bộ Công thương có văn bản (ngày 25-12-2015) thông báo tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi nhập khẩu theo đề nghị của nhiều doanh nghiệp thép VN, một số doanh nghiệp lại lên tiếng phản đối với lý do sẽ làm giá thép trong nước tăng.

Lợi ích ngành thép phải được ưu tiên

Bình luận về động thái phản đối này của một số doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), cho biết không bất ngờ bởi các doanh nghiệp này đều làm cán thép chứ không sản xuất thép từ đầu nguồn, tức họ không làm phôi hoặc đã dừng sản xuất phôi để chuyển sang nhập khẩu.

Do đó nếu VN áp biện pháp tự vệ, các doanh nghiệp này sẽ không nhập được phôi giá rẻ nữa. “Trong cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến khác nhau là việc bình thường vì lợi ích không đồng nhất. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần hành động để bảo vệ lợi ích chung của cả ngành” - ông Sưa cho biết.

Cũng theo ông Sưa, việc đưa lý do giá thép trong nước sẽ tăng nếu VN áp dụng các biện pháp tự vệ cũng không thật sự thuyết phục bởi khi thép thế giới giảm, giá thép trong nước cũng giảm theo.

Trong khi đó nếu không áp dụng biện pháp tự vệ, có thể giá thép trong nước sẽ thấp hơn nhưng chỉ ngắn hạn. Còn về lâu dài, khi các doanh nghiệp thép VN chết cả, ai dám khẳng định thép nhập khẩu không tăng giá để bù lại?

“Cá da trơn VN vào Mỹ giá rất rẻ, có lợi cho người dùng nhưng họ vẫn áp thuế chống bán phá giá” - ông Sưa nói và cho rằng cần phải tính đến sự ổn định thị trường thép về lâu dài.

Bà Nguyễn Minh Thảo, phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cảnh báo khi thuế giảm nhờ hội nhập, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như FDI đã không sản xuất nữa mà chủ yếu đi nhập khẩu rồi bán, hoặc chỉ gia công chút ít.

“Nếu cứ để như vậy, nguy cơ VN lệ thuộc tới hai lần, thứ nhất là sản xuất trong nước bị bóp chết, mất công nghệ, mất việc làm, phải nhập khẩu. Thứ hai là từ việc phải nhập khẩu sẽ tiến tới lệ thuộc kinh tế” - bà Thảo nói, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu các nước đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép Trung Quốc để tránh những thiệt hại cho ngành thép nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Không ủng hộ hoạt động gia công

Theo thông tin từ VSA, trong năm 2015 VN nhập gần 1,9 triệu tấn phôi thép các loại, trị giá khoảng 637 triệu USD, trong đó phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 66% lượng nhập và 63% về mặt giá trị, tăng đến 67% so với năm trước đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với giá nhập khẩu bình quân 320 USD/tấn của năm 2015, sau khi trừ các chi phí liên quan, phôi thép nhập từ Trung Quốc về tới các nhà máy sản xuất trong nước rẻ hơn mua phôi thép sản xuất trong nước ít nhất 2 triệu đồng/tấn.

Đây là lý do chính khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép không muốn đưa phôi thép vào diện bị điều tra thuế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN (VinaSteel - một trong những đơn vị đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu), bức xúc cho rằng việc nhập phôi thép ồ ạt, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, khiến thị phần, sản lượng tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp thép lớn của VN sụt giảm mạnh.

“Nếu cứ kéo dài tình trạng này, ngành thép trong nước có nguy cơ “đi” hết cả, hàng vạn lao động sẽ mất việc” - ông Toàn cảnh báo.

Cũng theo ông Toàn, nhiều doanh nghiệp làm thép từ khâu đầu là khai khoáng đến luyện phôi, cán thép nếu bị khó khăn thì hàng loạt doanh nghiệp phụ trợ khác như bán gạch chịu lửa, hợp kim sắt, phế liệu sắt... cũng không tránh khỏi bị vạ lây.

Do đó, ông Toàn kiến nghị Bộ Công thương nên áp biện pháp tự vệ càng sớm càng tốt. “Mong các cơ quan quản lý có cái nhìn chung nhất, vì sự phát triển lâu dài của ngành thép cũng như đại cục quốc gia” - ông Toàn nói.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, chủ tịch VSA, cũng cho biết vừa ký văn bản trả lời sáu doanh nghiệp phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ theo hướng VSA ủng hộ việc phát triển ngành thép đồng bộ, khép kín và vững mạnh thật sự “chứ không phải ngành thép đi gia công”.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ, theo ông Dũng, là phù hợp thông lệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của toàn ngành chứ không riêng cho doanh nghiệp nào.

Ông Nguyễn Văn Sưa cũng khẳng định nếu không sớm áp biện pháp tự vệ, ngành thép VN sẽ không tồn tại được bởi các doanh nghiệp đầu tư bài bản, sản xuất từ thượng nguồn sẽ có nguy cơ phá sản.

* Ông Đỗ Thắng Hải (thứ trưởng Bộ Công thương):

Khó tránh khỏi xung đột lợi ích

Bất kỳ một vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đều dẫn đến xung đột lợi ích, ở VN cũng vậy. Trong vụ điều tra với thép lần này, chắc chắn có bên được hưởng lợi (các nhà sản xuất thép) và có bên thiệt hại (nhà nhập khẩu).

Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đã nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công thương phải thụ lý và đã ra quyết định điều tra.

Đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công thương sẽ đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều công khai, minh bạch.

C.KÌNH - TRUNG HÀ - T.V.NGHI 

(Theo tuoitre.com.vn)

Nguồn: tuoitreonline