Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện giá thu mua lợn hơi trên thị trường dao động ở mức 25.000 - 27.000 đ/kg (tùy địa phương), giảm một nửa so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy giá lợn hơn giảm mạnh trong những tháng qua nhưng giá thịt lợn trên thị trường chỉ giảm nhẹ.

Trái chiều với giá lợn hơi, giá gà công nghiệp lông trắng và gà lông màu hiện đang ở mức khá cao do thời tiết thất thường khiến gà chậm lớn, năng suất không ổn định. Ngoài ra, giá gà tăng còn do một số công ty chăn nuôi lớn chuyên cung cấp lượng gà lớn cho thị trường sau thời gian lỗ nặng đã giảm đàn.

Cụ thể là, giá thu mua gà lông màu tại các tỉnh phía Nam đã tăng khoảng 4.000 – 7.000 đ/kg so với hồi đầu tháng, hiện đạt 33.000 – 34.000 đ/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ và 34.000 – 35.000 đ/kg tại các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, giá thu mua gà lông trắng ổn định ở mức giá khá cao là 34.000 – 35.000 đ/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ và 33.000 – 34.000 đ/kg tại các tỉnh ĐBSCL.

Trước đó, trong bối cảnh giá lợn hơi giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp khẩn với gần 30 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chế biến cùng các Hiệp hội ngành hàng để tìm giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi heo.

Nói về nguyên nhân giá thịt lợn giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm nguyên nhân khiến giá lợn giảm thấp đó là do cung lớn hơn cầu, sản lượng thịt lợn ngày càng tăng mạnh. Bên cạnh đó là do việc tổ chức ngành hàng không tốt, hiện mới chỉ có 45% chăn nuôi trang trại quy mô lớn, còn lại chiếm tới 55% chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên không kiểm soát được quy mô.

Theo ông Cường, khâu tổ chức thị trường hiện còn rất kém, từ thị trường nội địa tới xuất khẩu. Trong nước người dân vẫn phải tiêu dùng thịt lợn với giá cao, còn các nước trong khu vực hầu hết phải nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn như Philippines, Singapore, Trung Quốc... nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn chưa thể chính ngạch vào các thị trường này.

Trên cơ sở những khó khăn đang phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến thịt lợn tăng lượng thu mua dự trữ, giảm giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi, cố gắng tăng giá thu mua lợn cho nông dân, giảm giá bán đầu ra.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Đồng thời phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn