Tại miền Bắc dần ổn định trở lại
Tuần qua, giá lợn hơi tại khu vực đã chững lại và xuất hiện sự giảm giá tại một số tỉnh, thành nhưng xu hướng này cũng kết thúc vào cuối tuần. Hiện tại, giá lợn hơi tại Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Tuyên Quang đang dao động trong khoảng 37.000 - 40.000 đ/kg; Ứng Hoà, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ 35.000 - 37.000 đ/kg. Giá lợn phổ biến trong khu vực đang dao động ở mức 37.000 - 40.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên tăng khá mạnh
Giá lợn hơi tại nhiều địa phương trong khu vực đã tăng mạnh trong tuần qua, đưa mức giá trở lại ngưỡng 40.000 đ/kg; Cụ thể, giá lợn hơi tại Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế dao động 39.000 - 40.000 đ/kg; Khánh Hoà, Ninh Thuận lên tới 42.000 đồng. Trong khi các địa phương khác, như Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Bình Thuận, lợn hơi được thu mua trong khoảng 32.000 - 36.000 đ/kg. Tại khu vực Tây Nguyên, giá lợn giao dịch ở mức 32.000 - 39.000 đ/kg.
Tại miền Nam tăng trên diện rộng
Giá lợn hơi tại phía nam ghi nhận đợt tăng kéo dài dù không có đột biến lớn như tại miền Bắc; tại Đồng Nai 36.000 - 38.000 đ/kg; Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang cũng ghi nhận mức giá tương tự; tại Bình Phước, Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh 31.000 - 35.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, giá lợn hơi trung bình là khoảng 36.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 15/6/2019 đạt 5.100 con, và tình hình buôn bán của thương lái tiếp tục khá tốt.
Nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam tăng kỷ lục
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 23,6 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng 670,8% lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành chăn nuôi lợn nước ta đang gặp khó bởi dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam từ tháng 2, bắt đầu từ ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, dịch bệnh này đã lan rộng tới 55 tỉnh, thành phố. Theo số lượng ước tính của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 5/2019, đàn lợn cả nước đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lơn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Thịt lợn hiện vẫn chiếm 70% cơ cấu về thịt trong bữa ăn của người Việt nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vẫn lớn nhất dẫu nguồn cung các sản phẩm thịt khác như bò, gà, vịt, hải sản…khá dồi dào.
Trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vác xin phòng và trị bệnh thì việc phải chung sống dài dài với nạn dịch này đã được ngành chức năng cảnh báo. Mặc dù tỷ lệ lợn tiêu hủy chỉ chiếm 6% trên tổng đàn lợn, nhưng năm 2019 vẫn là năm thiệt hại của ngành chăn nuôi.
Số liệu của Cục Thú y, tính đến 3/6/2019, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy....
Theo nhận định của Công ty Dịch vụ tài chính và Ngân hàng đa quốc gia (Rabobank), ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đang phải chịu sức ép suy giảm năm thứ 3 liên tiếp do dịch tả lợn. Trong báo cáo quý II/2019 cho ngành thịt lợn, Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Việt Nam năm 2019 giảm ít nhất 10%.
Rabobank cho rằng, suy giảm sản xuất sẽ dẫn tới suy giảm 7% tiêu dùng thịt lợn trên đầu người của Việt Nam. Để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhập khẩu thịt lợn Việt Nam dự báo tăng lên trong năm 2019.
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, từ năm 1996 - 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet