Cụ thể, DAP tăng 3 USD lên 508 USD/tấn; MAP tăng nhẹ lên 533 USD/tấn; Kali tăng 6 USD lên 381 USD/tấn; phân hỗn hợp 10-34-0 tăng 6 USD lên 461 USD/tấn; UAN28 tăng 6 USD đạt 267 USD/tấn và UAN tăng 2 USD lên 304 USD/tấn. Tuy nhiên, giá ure giảm nhẹ so với tháng trước xuống còn 407 USD/tấn.
Căn cứ vào giá cơ sở N, giá ure bình quân ở mức 0,44 USD/lb; N, anhydrous là 0,35 USD/lb; N, UAN28 0,48 USD/lb và N, UAN32 0,47 USD/lb.
Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2018, thì tất cả 8 loại phân bón chính hiện đều tăng, theo đó UAN28 tăng 22%; UAN32 tăng 18%; ure tăng 17%; phân hỗn hợp 10-34-0 tăng 13%; DAP tăng 11%; Kali tăng 10% và MAP tăng 9%.
Trước đó, kết thúc năm 2018, chỉ số giá phân bón tháng 12/2018 chỉ đạt 89,41 điểm, giảm 75,11 điểm (tương đương 3,97%) so với tháng 11/2018 là 93,11 điểm và giảm 20,64% so với tháng 12/2017.
Theo Dow Jones, tuần trước Công ty Mosaic đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) với Sinochem – công ty nông nghiệp lớn nhất của Trung Quốc. Sinochem dự định mua đá phốt phát và phân lân, bao gồm các sản phẩm cao cấp từ Mosaic.
Các điều khoản và điều kiện mua hàng sẽ được nêu trong hợp đồng riêng giữa hai công ty.
Theo nguồn tin từ Argus Media, Công ty Dầu khí nước Cộng hòa Azerbaijan (SOCAR) đã ra mắt sản phẩm phân bón ure được sản xuất tại một nhà máy với công suất 2.000 tấn/ngày.
Nhà máy này của một doanh nghiệp trong ngành công nghiệp lớn nhất ở Sumgayit (Azeberbaijan), nhưng không thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ với tổng chi phí của dự án khoảng 800 triệu euro (910 triệu USD). Nhà máy có thể sản xuất 650 – 660 nghìn tấn ure dạng hạt/năm bằng khí đột tự nhiên với 435 triệu m3/năm.
Hiện tại, nhu cầu ure của Azebaijan là 150 nghìn tấn/năm, nhưng cũng có thể tăng lên 200 nghìn tấn/năm khi nhà máy này đi vào vận hành. Nhà máy mới sẽ đáp ứng đủ phân ure cho thị trường nội địa và khoảng 70% dự kiến sẽ được xuất khẩu, theo báo cáo của SOCAR.
Cũng theo SOCAR, việc ure được sản xuất trong nước sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu lên tới 90 triệu USD/năm.
Diễn biến giá Nitơ (N)
ĐVT: USD/lb

Nguồn: dftn.com
Trên thị trường nguyên liệu sản xuất phân bón, giá dầu mỏ chứng kiến tuần thứ ba tăng liên tiếp.
Mặc dù biến động khá thất thường trong tuần, song với đà tăng ở phiên cuối tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ghi nhận tuần đi lên thứ ba liên tiếp. Các tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã đẩy lùi lo ngại về nguy cơ “nóng” lên của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những số liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu toàn cầu có xu hướng giảm cũng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen”.
Giá dầu thế giới đã mất hơn 2% trong ngày giao dịch đầu tuần (14/1) trước áp lực của số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc đang giảm sút, qua đó làm dấy lên những lo ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều đi lên trong hai phiên giao dịch liên tiếp liền sau đó, khi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc vừa phát đi tín hiệu sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế suy giảm trong năm 2019 dường như đã tạm lắng xuống khi thị trường đón nhận những thông tin báo hiệu rằng nền kinh tế có thể diễn biến tốt hơn dự kiến, theo giám đốc nghiên cứu thị trường của Traiditon Energy ở Stamford (Mỹ).
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo đã cắt giảm sản lượng 751.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12/2018 trước khi thỏa thuận mới về việc hạn chế nguồn cung dầu có hiệu lực, cho thấy tổ chức này đã tạo một bước khởi đầu khá rắn chắc trong việc ngăn chặn tình trạng dư cung trong năm 2019.
Lượng dự trữ các chế phẩm dầu mỏ đang gia tăng tại Mỹ và sản lượng dầu thô vẫn đang ở mức cao kỷ lục, trong khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu kém trên toàn cầu vấn tạo sức ép lên thị trường dầu mỏ. Trong báo cáo thị trường hàng tháng công bố ngày 17/1, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trung bình trên toàn cầu năm 2019 xuống 30,83 triệu thùng/ngày, giảm 910.000 thùng so với mức tương ứng của năm 2018.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 18/1), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2019 tại thị trường New York tăng 1,73 USD (3,3%), lên 53,80 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2019 cũng tăng 1,52 USD (2,5%), lên 62,7 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng 4,3%, còn dầu Brent tăng 3,7%.
Theo báo cáo cùng ngày của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 21 giàn, xuống còn 852 giàn khoan trong tuần kết thúc ngày 18/1, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Điều này báo hiệu sản lượng dầu tại Mỹ có thể giảm trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ đà tăng của giá dầu mỏ.
Trên thị trường khí tự nhiên cũng chứng kiến một tuần giá tăng ấn tượng ngay phiên đầu tuần (15/1) giá tăng trở lại, tại Mỹ đã tăng gần 16% do dự báo thời tiết đến cuối tháng 1/2019 lạnh hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đó, đẩy lên sự biến động cực đoan trở lại được thấy vào cuối năm 2018.
Giá khi tự nhiên giao tháng 2 trên sàn giao dịch bán buôn New York tăng 49,2 US cent hay 15,9% đóng cửa tại 3,591 USD/mmBtu, cao nhất khi đóng cửa kể từ ngày 27/12/2018. Phiên vừa qua có mức tăng theo phần trăm mạnh nhất trong 8 tuần, và mạnh thứ hai kể từ năm 2010. Đây là phiên thứ hai hợp đồng này tăng hơn 5% kể từ đầu năm nay. Trong hai tháng cuối năm 2018, hợp đồng này đã tăng hay giảm hơn 5% trong 27 lần.
Và xu hướng giá tăng cho đến phiên cuối tuần, cụ thể đóng cửa hôm 17/1/2019 giá khí tại Mỹ tăng do tin tức dự trữ hàng tuần giảm ít tuy nhiên các dự báo thời tiết cực lạnh sẽ phủ khắp quốc gia này đến tháng 2/2019.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2019 trên sàn giao dịch bán buôn New York tăng 2,9 US cent hay 0,9% lên 3,413 USD/mmBtu.
Giá khí tự nhiên giao ngay (Henry Hub)
ĐVT: USD/mmBTU

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á giảm dù đang giữa mùa Đông. Lý do bởi nhiệt độ mùa Đông năm nay cao hơn mọi năm khiến nhu cầu khí sụt giảm. LNG giao ngay trong tuần kết thúc vào ngày 11/1/2019 giá 8,5 USD/triệu mBtu. Như vậy, so với mức đỉnh cao của mùa Đông này (10,90 USD trong tuần tới 16/11/2018), giá đã giảm khá nhiều, và thậm chí còn thấp hơn cả mức 11,60 USD hồi mùa Hè (tuần tới 15/6/2018).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các nhà máy đã giảm dự trữ chỉ 81 tỷ feet khối khí trong tuần ấm hơn bình thường kết thúc vào ngày 11/1/2019. Số liệu đó phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích giảm 82 tỷ feet khối và trong cùng tuần một năm trước giảm 208 tỷ feet khối.
Dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 11/1/2019 xuống 2.533 nghìn tỷ feet khối, thấp hơn 11,4% so với mức 2,860 nghìn tỷ feet khối trung bình tại thời điểm này trong 5 năm và là tuần thấp nhất kể từ năm 2014.

Nguồn: VITIC/dtfn.com, eia.gov

Nguồn: Vinanet