Dẫn nguồn tin từ VOV, tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn năm nay đạt gần 16.000 ha. Trong đó có khoảng 1.850 ha, chiếm 12,1% vải chín sớm; gần 13.500 ha vải thiều chính vụ, chiếm 87,9%.
Trái với mùa vải thiều bội thu năm 2018, năm nay 2019 sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) giảm sút nhiều.
Một hộ gia đình trồng trồng vải ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn chia sẻ, dù chăm sóc kỹ, đúng quy trình nhưng do thời tiết nóng ấm vào dịp Tết nên tỷ lệ ra hoa đậu quả của vải thiều trong năm nay rất thấp, thường các vườn vải chỉ đạt khoảng 50% đậu quả, vườn nào cao nhất cũng chỉ đạt 75% vải đậu quả. Mùa vụ vải năm 2018 bội thu, với gần 1 ha có thể thu về 5 – 7 tấn quả, còn vụ năm nay nhiều gia đình chỉ thu được 2 - 3 tấn quả. Nhưng có giá đình mất gần hết vườn vải dù đã tỉa cành, triệt lộc, chăm sóc.
Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch dự kiến từ 20 - 30/7/2019. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn vải).
Nguồn cung sụt giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao, hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg).
Việc Trung Quốc tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và đề ra yêu cầu truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu, kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu. Với những quy định này, đối với trái vải thiều không còn lo ngại nữa khi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã có mã số vùng trồng.
Vải thiều được trồng nhiều ở Hải Dương, theo thống kê tỉnh Hải Dương còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận. Nếu các thủ tục hoàn tất, cơ hội xuất khẩu chính ngạch của các sản phẩm trái cây của Hải Dương sang Trung Quốc sẽ rộng mở hơn. Ước tính, vụ vải năm 2019, Hải Dương sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến nay đã có 149 vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương và 2 vùng trồng vải thiều của tỉnh Hưng Yên được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vải thiều tươi xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa chiếm tới 80%, còn lại 20% (tương đương 16.000 tấn) tổng sản lượng được xuất sang các nước khác. Việc thị trường Trung Quốc nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhập khẩu vải thiều thì đây là cơ hội để người dân thay đổi phần phuonwg thức hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập và hướng tới các thị trường khó tính
Hiện nay 36 mã vùng trồng của vải thiều huyện Lục Ngạn đã được xác định để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 82 cơ sở sơ chế vải thiều cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn.
Trong tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiếp tục ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm cũng như cung cấp tư thuơng phục vụ cho các chợ đầu mối. Vải thiều ngoài thị trường truyền thống phía Bắc lượng tiêu thụ ở các thị trường phía Nam cũng tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Với vải thiều đẹp có thể sẽ được các thương nhân Trung Quốc tranh mua khi Trung Quốc cũng mất mùa vải.
Tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống, thời gian gần đây Mỹ và Australia cũng đã chấp nhận quả vải tươi của Việt Nam, song do những ràng buộc khắt khe về quy trình nhập khẩu nên xuất khẩu sang các thị trường này cũng hẹp dần. Mặc dù vậy, với nỗ lực đàm phán giữa các bên, năm nay Mỹ và Australia đã tạo thuận lợi hơn, giúp quả vải có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng của các nước này. Một tín hiệu vui khác là quả vải đã đạt được thỏa thuận để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản trong vụ tới đây. Đây chính là thời cơ để quả vải dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.
Rào cản lớn nhất để xuất khẩu vải sang các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản là chất lượng quả vải. Đặc biệt mỗi nước lại có những yêu cầu riêng về kiểm dịch. Để vào thị trường Mỹ, toàn bộ khâu kiểm dịch sẽ được thực hiện tại Việt Nam, còn với Australia thì ngược lại. Do vậy, với thị trường Australia, nếu vải xuất sang không bảo đảm thì lô hàng sẽ bị hủy ngay ở nước bạn và sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Vì thế phải kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các nước.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, Lương Thị Kiểm thông tin, dự kiến Nhật Bản sẽ nhập khẩu lô vải tươi chính ngạch đầu tiên tại Hải Dương. Đây là cơ hội giúp nông sản đặc sản của tỉnh vươn tầm châu lục và thế giới. Mặc dù vậy, để xuất khẩu thành công sang thị trường này, yếu tố quyết định chính là quy trình canh tác an toàn, đạt chuẩn quốc tế. Chi cục đang tích cực hướng dẫn và theo dõi sát sao các khâu chăm sóc vải của người dân để quả vải có thể xuất ngoại thuận lợi.
Nguồn: VITIC tổng hợp/VOV

Nguồn: vinanet