Giá vàng trong nước giảm
Vào thời điểm lúc 14h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 42,75 triệu đồng/lượng - bán ra 43,17 triệu đồng/lượng (giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua và bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 42,65 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đồng/lượng) - bán ra 43,15 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 42,80 triệu đồng/lượng - bán ra 43,10 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 42,85 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng) - bán ra 43,05 triệu đồng/lượng (giảm 220.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 14h hôm nay giao dịch ở mức 1.538,6 USD/ounce (giảm 12,3 USD/ounce so với phiên trước đó).
Trước đó, đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tiếp tục giảm từ đầu phiên và đã đóng cửa dưới ngưỡng 1.550 USD/ounce. Giá vàng đã giảm khoảng 15 USD trong phiên giao dịch đầu tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 cũng giảm 9,7 USD xuống 1.550,4 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 21,2% (272 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 43,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 200 ngàn đồng so với vàng trong nước. Dù giảm mạnh nhưng tính trong 30 phiên gần nhất, giá kim loại quý vẫn tăng 67,6 USD (4,58%) và ở vùng đỉnh của 7 năm.
Giá vàng thế giới biến động khá mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tạm thời lắng dịu trong khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhưng sự bất định vẫn còn, điều này được dự báo sẽ kích thích kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Trong một báo cáo hôm qua cho biết, Mỹ cũng sẽ loại bỏ Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ, đây cũng được coi là một dấu hiệu khác cho thấy sự “tan băng” trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Vàng chịu áp lực giảm giá khi các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/1/2020 và đồng USD vẫn có xu hướng tăng.
Iraq vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ kinh tế sụp đổ nếu Mỹ phong tỏa nguồn thu từ dầu mỏ, trong đó có việc chặn quyền tiếp cận tài khoản của Ngân hàng trung ương Iraq tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Hiện giá dầu thô thấp hơn và giao dịch quanh mức 58,4 USD/thùng, trong khi chỉ số đô la Mỹ gần như ổn định.
Iraq là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và hơn 90% ngân sách, tương đương khoảng 112 tỷ USD trong năm 2019 là doanh thu từ dầu mỏ.
Các khoản tiền Iraq thu được từ dầu mỏ gửi tại Fed và do vậy Mỹ chặn tiếp cận tài khoản đồng nghĩa với việc cắt đứt hoàn toàn thu nhập của Iraq. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Baghdad trong bối cảnh Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại nước này. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran được cho là còn lâu mới đến hồi kết. Các lệnh trừng phạt mới của Tổng thống Trump và một thỏa thuận hạt nhân đang đứng trước nguy cơ chết yểu đồng nghĩa với việc xung đột Mỹ - Iran sẽ còn tiếp diễn.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá có lợi thế tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức 1.590,9 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức 1.530 USD/ounce.

Nguồn: VITIC