Báo cáo từ phía Trung Quốc cho biết tình hình dịch bệnh tại các địa phương cấp tỉnh cho thấy xu hướng giảm kể từ ngày 3/2. Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/2 cho biết nước này có đủ khả năng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh do nCoV đối với nền kinh tế trong nước. Theo ông Cảnh Sảng, các cơ quan quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), lưu ý rằng Trung Quốc có đủ khả năng để ứng phó với dịch bệnh và những nỗ lực của Bắc Kinh đã giúp giảm bớt được những rủi ro mà dịch bệnh gây ra đối với nền kinh tế thế giới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trở lại khi nỗi lo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona tại Trung Quốc bắt đầu giảm dần.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2020 tại thị New York tăng 0,37 USD lên 49,94 USD/thùng; trong khi dầu Brent giao tháng 4/2020 tại London tăng 0,74 USD lên 54,01 USD/thùng.
Giá dầu cũng được thúc đẩy từ sự gia tăng tại các thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhưng đà tăng của dầu bị hạn chế sau khi Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng lớn hơn dự kiến, tăng 6 triệu thùng trong tuần trước so với dự đoán tăng chỉ 3 triệu thùng.
Nhà đầu tư vẫn lo ngại nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn nếu virus corona không được kiềm chế hoặc nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận để hỗ trợ giá thêm nữa.
Dịch bệnh virus đã làm giảm nhu cầu dầu, các nhà máy lọc dầu nhà nước Trung Quốc cắt giảm mức độ xử lý trong tháng 2/2020 khoảng 940.000 thùng/ngày – gần 1% nhu cầu thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 310.000 thùng/ngày trong năm nay sau sự bùng phát của virus corona.
Hội đồng tư vấn của OPEC+ tuần trước đã đề xuất cắt giảm bổ sung 600.000 thùng dầu mỗi ngày, nhưng Nga chưa đưa ra lập trường chính thức. Việc thiếu hành động phối hợp của OPEC+ có nghĩa là lo ngại về dư cung có khả năng tăng cao.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau 4 phiên liên tiếp tăng. Lo ngại về dịch bệnh dịu bớt đã góp phần khiến giá vàng giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng ngay giảm 0,3% xuống 1.567,26 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 0,6% xuống 1.570,1 USD.
Với dự đoán rủi ro từ virus đang giảm, khả năng tác động tới nền kinh tế Trung Quốc và ở mức độ nào đó tới kinh tế thế giới có thể chỉ là tạm thời.
Cổ phiếu Châu Âu lên cao kỷ lục, trong khi thị trường chứng khoán Châu Á cùng Phố Wall cũng tăng do số lượng người nhiễm virus mới chậm lại tại Trung Quốc và các nhà máy trở lại hoạt động. Một yếu tố nữa làm hạn chế nhu cầu vàng là USD đạt mức cao nhất trong 4 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt và Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell có quan điểm lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng trung ương nước này đã giữ lãi suất cơ bản không đổi tại cuộc họp chính sách trong tháng 1 khi tăng trưởng kinh tế vừa phải và thị trường việc làm mạnh mẽ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 3/2020 giảm 1,06% (tương đương 18,8 US cent) xuống còn 17,597 USD/ounce, bạch kim giao tháng 4/2020 tăng 0,68% (tương đương 6,60 USD) lên 973,50 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá hầu hết hồi phục.
Giá các kim loại cơ bản đi lên do các quỹ cắt bớt đặt cược vào giá giảm tiếp, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn bị chi phối bởi mối lo Trung Quốc, nơi tác động của virus corona dự báo sẽ làm giảm nhu cầu.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 1,4% lên 5.745 USD/tấn. Giá kim loại này đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng tại 5.523 USD trong tuần trước, giảm 13% kể từ ngày 16/1.
Một chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc cho biết dịch viêm phổi cấp có thể sớm đến đỉnh, khi số người chết tăng lên trên 1.000 người. Những bình luận này và việc mở cửa lại một số nhà máy tại Trung Quốc là lý do để các quỹ giảm đặt cược vào giá kim loại giảm tiếp.
Các công ty khai thác đã tăng phí gia công và xử lý chế biến quặng đồng thành kim loại lên 62,5 USD/tấn và 6,25 US cent/lb trong ngày 10/2 cho các nhà máy luyện, theo đánh giá của công ty cung cấp thông tin và định giá Asian Metal.
Các nhà máy luyện kim ở Trung Quốc cần ít quặng hơn sau khi nhà máy dừng hoạt động và giao thông bị giới hạn, điều này có nghĩa là họ không thể bán phụ phẩm axit sunfuric, làm hạn chế công suất sản xuất đồng.
Mức cộng của kẽm giao ngay với kẽm giao sau ba tháng trở thành trừ lùi do dự trữ trên sàn LME ở mức 72.025 tấn, tăng 45% kể từ đầu tuần trước. Dự trữ tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải cũng lên gần 100.000 tấn từ dưới mức 28.000 tấn vào cuối tháng 12/2019.
Nhôm tăng 1,9% lên 1.734 USD/tấn, kẽm tăng 0,6% lên 2.148 USD/tấn, chì tăng 3% lên 1.850 USD, thiếc tăng 0,9% lên 16.475 USD.
Giá sản phẩm thép và nguyên liệu thô tăng. Quặng sắt có ngày tăng mạnh nhất trong 7 tháng do tâm lý ổn định hơn bởi số lượng ca nhiễm virus corona mới giảm. Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4,4% lên 605,50 CNY (86,8 USD)/tấn, tăng một ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 7/2019. Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 3 tăng 4,6% lên 83,47 USD/tấn.
Hợp đồng quặng sắt Đại Liên đã giảm 12% từ khi mở cửa ngày 3/2 tới ngày 10/2 do lo ngại về nhu cầu nguyên liệu thô này tại Trung Quốc, nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Theo Zeng Gang, Phó chủ tịch Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, dịch bệnh có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khoảng 1 điểm phần trăm trong năm 2020.
Tuy nhiên trên thị trường giao ngay của Trung Quốc, nhu cầu các sản phẩm thép và quặng sắt vẫn yếu trong bối cảnh nhà máy đóng cửa và giao thông hạn chế.
Một số nhà máy thép Trung Quốc dự định giảm sản lượng do thiếu công nhân trong tình trạng hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Thép cây dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 2,7%, thép cuộn cán nóng tăng 2,2% và thép không gỉ tăng 0,9%.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,05 US cent hay 0,3% lên 15,09 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 2,0 USD hay 0,5% lên 431,9 USD/tấn sau khi tăng lên mức cao nhất 2,5 năm tại 433,4 USD.
Sản lượng đường Thái Lan và Ấn Độ làm sản lượng toàn cầu giảm trong niên vụ hiện tại 2019/20 và dự báo sẽ thiếu hụt toàn cầu. Dự kiến niên vụ tới 2020/21 sẽ thiếu hụt năm thứ 2 liên tiếp, mặc dù quy mô thiếu hụt giảm do sản lượng phục hồi.
Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết các nhà máy Ấn Độ đã sản xuất 14,1 triệu tấn đường trong thời gian từ 1/10/2019 - 31/1/2020, giảm gần 24% so với cùng kì năm 2019 khi một số nhà máy buộc phải ngừng nghiền mía sớm do nguồn cung hạn chế.
Vào cuối tháng 1, nước này ghi nhận 446 nhà máy hoạt động nghiền mía, giảm mạnh so với số lượng 520 vào cùng kì năm ngoái.
Các nhà máy ở bang Maharashtra, nơi bị hạn hán và lũ lụt liên tiếp, đã sản xuất 3,46 triệu tấn đường trong 4 tháng này, bằng một nửa so với sản lượng 7,1 triệu tấn một năm trước, ISMA cho biết.
Bên cạnh đó, ISMA dự báo sản lượng đường Ấn Độ trong năm tài chính 2019/2020 có thể giảm 21,6% xuống 26 triệu tấn, chạm mức thấp nhất trong ba năm.
Hiệp hội thương mại đường Ấn Độ (AISTA) cho biết, sản lượng sụt giảm có thể giúp Ấn Độ giảm lượng tồn kho sau hai năm sản xuất kỉ lục và đưa mức xuất khẩu về thấp hơn dự kiến.
Sản lượng mía tại bang Maharashtra có thể giảm 39% xuống còn 6б5 triệu tấn trong năm, AISTA cho biết.
Quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới là Thái Lan cũng công bố sản lượng đường niên vụ 2019 - 2020 có thể giảm 28% xuống 10,5 triệu tấn so với năm trước, ghi nhận mức thấp nhất trong 9 năm qua do hạn hán, người đứng đầu một cơ quan thương mại Thái Lan cho biết.
Thái Lan có thể xuất khẩu 6 đến 7 triệu tấn đường trong năm nay, giảm từ 11 triệu tấn vào năm trước, ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc của Thai Sugar Millers Corporation nhận định.
Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng cho biết sản lượng đường trắng của nước này năm 2019 ở mức 2,23 triệu tấn, dù không đạt mục tiêu (2,45 triệu tấn) nhưng vẫn tăng 3% so với năm 2018.
Năm 2019, Indonesia đã nhập khẩu 495.000 tấn đường trắng, giảm mạnh so với 1,1 triệu một năm trước đó. Sản xuất đường trắng vào năm 2020 dự kiến đạt 2,46 triệu tấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông Syahrul Yasin Limpo cho biết vào tháng 11/2019.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,5 US cent hay 0,5% lên 1,0260 USD/lb.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 1 USD hay 0,1% xuống 1.284 USD/tấn, trong phiên giá đã giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tháng là 1.278 USD/tấn.

Giá hàng hóa thế giới sáng 12/2 (giờ VN)

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

50,45

+0,51

+1,02%

Dầu Brent

USD/thùng

54,79

+0,78

+1,44%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

37.030,00

-10,00

-0,03%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,80

+0,01

+0,45%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

152,85

+1,43

+0,94%

Dầu đốt

US cent/gallon

164,38

+1,71

+1,05%

Dầu khí

USD/tấn

499,00

+4,75

+0,96%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

52.660,00

+30,00

+0,06%

Vàng New York

USD/ounce

1.570,40

+0,30

+0,02%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.530,00

-12,00

-0,22%

Bạc New York

USD/ounce

17,60

+0,00

+0,02%

Bạc TOCOM

JPY/g

62,20

-0,10

-0,16%

Bạch kim

USD/ounce

970,66

-1,26

-0,13%

Palađi

USD/ounce

2.349,68

-1,01

-0,04%

Đồng New York

US cent/lb

259,30

+1,00

+0,39%

Đồng LME

USD/tấn

5.745,00

+78,00

+1,38%

Nhôm LME

USD/tấn

1.734,00

+32,00

+1,88%

Kẽm LME

USD/tấn

2.148,00

+14,00

+0,66%

Thiếc LME

USD/tấn

16.475,00

+150,00

+0,92%

Ngô

US cent/bushel

379,25

-0,50

-0,13%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

539,00

-3,00

-0,55%

Lúa mạch

US cent/bushel

298,50

-0,75

-0,25%

Gạo thô

USD/cwt

13,60

-0,01

-0,07%

Đậu tương

US cent/bushel

885,75

+1,00

+0,11%

Khô đậu tương

USD/tấn

290,90

+0,10

+0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,17

+0,09

+0,29%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

459,00

-0,40

-0,09%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.876,00

-2,00

-0,07%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

102,55

+0,45

+0,44%

Đường thô

US cent/lb

15,41

+0,37

+2,46%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

99,30

+1,10

+1,12%

Bông

US cent/lb

68,74

0,00

0,00%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

451,40

+5,40

+1,21%

Cao su TOCOM

JPY/kg

179,30

+2,20

+1,24%

Ethanol CME

USD/gallon

1,34

+0,00

+0,15%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg