Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 18/11/2015, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) của 5 quốc gia bao gồm Oman, UAE, Pakistan, Philippines và Việt Nam.

Trước đó, ngày 28/10/2015, các công ty gồm Bull Moose Tube Company, EXLTUBE, Wheatland Tube và Western Tube & Conduit đứng làm nguyên đơn kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm ống thép cacbon nhập khẩu từ 5 quốc gia trên tới DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC).

Sản phẩm bị điều tra theo yêu cầu của nguyên đơn là ống thép hàn cacbon thuộc các Mã HS: 7306.19.1010, 7306.19.1050, 7306.19.5110, 7306.19.5150, 7306.30.1000, 7306.30.5025, 7306.30.5032, 7306.30.5040, 7306.30.5055, 7306.30.5085, 7306.30.5090, 7306.50.1000, 7306.50.5050 và 7306.50.5070.

Theo đúng quy định trong vòng 20 ngày kể từ ngày đơn kiện hợp lệ được nộp chính thức, từ ngày 17/11/2015, DOC sẽ bắt đầu tiến hành khởi xướng điều tra.

 

DOC thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh: VCA)

Số liệu của hải quan Hoa Kỳ cho biết, giá trị nhập khẩu ống thép hàn cacbon từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2014 là 60,6 triệu USD - mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra vào Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, biên độ phá giá cáo buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng cao nhất ở mức 113.18%, tiếp theo là Oman với 98.87% - 105.58%, UAE từ 47.06% - 54.27%, Philippines với 21.86% và thấp nhất là Pakistan với 11.80%   

 

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, theo thông lệ điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ, sau khi vụ việc được khởi xướng, DOC sẽ tiến hành gửi các doanh nghiệp xuất khẩu bản câu hỏi lượng và giá trị (Q&V Questionnaire) nhằm xác định lượng và giá trị nhập khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài vào Hoa Kỳ, từ đó xác định các doanh nghiệp thuộc vụ việc điều tra và lựa chọn bị đơn bắt buộc (mandatory respondents).

Đối với các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, do bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường theo pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam (không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc) phải đáp ứng cả yêu cầu để được nhận mức thuế suất riêng rẽ (separate rates) khác với mức thuế suất toàn quốc (thường dựa trên dữ kiện sẵn có bất lợi).  

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, bản câu hỏi điều tra đầy đủ thông thường sẽ được gửi tới các bên trong khoảng 45 ngày kể từ ngày đơn kiện được nộp và khoảng vài ngày sau khi ITC ban hành quyết định sơ bộ về thiệt hại. Lịch trình dự kiến của vụ việc điều tra chống bán phá giá sẽ được tiến hành theo Quyết định sơ bộ của ITC.

Cụ thể, nếu trước ngày 14/12/2015, ITC ra quyết định sơ bộ khẳng định các sản phẩm thép ống nhập khẩu không gây thiệt hại, vụ điều tra sẽ được chấm dứt. Trong trường hợp phát hiện sản phẩm có gây thiệt hại, Quyết định sơ bộ của DOC sẽ được ban hành từ ngày 5/4/2016 và Quyết định cuối cùng của DOC sẽ được ban hành vào ngày 20/6/2016.

Tuy nhiên, Quyết định cuối cùng của ITC lại chỉ có thể được ban hành khi DOC ra quyết định cuối cùng từ ngày 3/8/2016 khẳng định, sản phẩm nhập khẩu có bán phá giá. Nếu sản phẩm có bán phá giá, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon từ ngày 10/8/2016./.

Nguyễn Quỳnh 

(Theo vov.vn)