Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Vinacas, Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít ỏi, ngành điều Việt Nam đã chuyển mình phát triển và giữ vững vị trí số 1 thế giới suốt 15 năm liền (2006 - 2020) về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến. Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới.
Thế nhưng, ngành điều Việt Nam đang có một mâu thuẫn lớn cần được giải quyết là: khâu chế biến phát triển mạnh mẽ, thị trường rộng mở toàn cầu, hạt điều Việt Nam có chất lượng tốt vào tốp đầu thế giới nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho chế biến và đời sống nông dân trồng điều còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23-11, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Vinacas, lý giải mâu thuẫn này là do ngành chế biến hạt điều phát triển quá nhanh trong khi sản xuất nguyên liệu chậm. "Thời gian qua diện tích điều bị thu hẹp do đô thị hóa, nhiều vùng nguyên liệu lớn như Bình Dương nay không còn và sự cạnh tranh của những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất bình quân của điều khoảng 2 tấn/ha, dù bán với giá tốt nhất 35.000 đồng/kg nhưng mỗi năm nông dân thu cũng chỉ được 70 triệu đồng trong khi trồng cây ăn quả có thể đạt doanh thu tiền tỉ. Cây điều chỉ còn trụ lại ở những vùng đất khô cằn, không thể canh tác cây trồng khác, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số tại Bình Phước, Đắk Nông, Bình Thuận, Đắk Lắk. Ở những nơi này, cây điều giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, cũng như liên quan đến chính sách dân tộc, bảo vệ biên cương.
Ngành chế biến điều Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua
Theo ông Hậu, để phát triển vùng nguyên liệu, giúp nâng cao đời sống bà con nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Vinacas thực hiện chương trình cải tạo giống cùng quy trình canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây điều. Hiện nay, tỉnh Bình Phước - "thủ phủ" điều Việt Nam - đang rất quan tâm đến ngành điều, phát triển thành ngành sản xuất lớn để hạ giá thành. Các doanh nghiệp chế biến cũng đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cho chính họ, đầu tư vào điều chất lượng cao, đặc biệt là điều hữu cơ. "Ngành chế biến điều đi lên từ nền tảng người nông dân, phát triển được như ngày hôm nay, chiếm thị trường lớn, thu được nhiều lợi nhuận, đã đến lúc cần quay lại để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững" - ông Hậu nhìn nhận.
Tuy nhiên, tại Tọa đàm sản xuất kinh doanh điều năm 2020 do Vinacas tổ chức chiều 23-11 tại TP HCM, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Long Sơn Group, cho rằng năm nay, giá điều nhân nhập khẩu giảm sâu, xoay quanh mức 850 - 900 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp mua được giá chỉ 810 USD/tấn (chưa tới 20.000 đồng/kg), còn nông dân châu Phi chỉ nhận được một nửa do chi phí logistics và thuế rất lớn. Hiện tại, giá thu mua điều nguyên liệu của Việt Nam đã cao hơn thế giới nên sẽ khó có chuyện nâng giá thu mua điều trong nước do giá cả liên thông toàn cầu.
Theo ông Sơn, hiện nay, châu Phi thu hút mạnh đầu tư vào chế biến điều để giảm lượng xuất thô. "Họ đang đánh thuế xuất khẩu điều thô để hỗ trợ chế biến. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch đầu tư nhà máy ở châu Phi để tận dụng nguyên liệu tại chỗ. Rõ ràng, Việt Nam chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chúng ta có lợi thế. Chi phí đất nông nghiệp của Việt Nam cao hơn châu Phi rất nhiều nên khó cạnh tranh trong việc cung cấp điều thô" - ông Sơn nêu quan điểm.

Khó đạt mục tiêu 3,2 tỉ USD

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 10 tháng đầu năm 2020, sản lượng điều nhân xuất khẩu đạt 415.000 tấn, giá trị kim ngạch đạt 2,61 tỉ USD, tăng 11,5% về khối lượng nhưng giảm 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 33,5%, 13% và 12,7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều (số liệu 8 tháng đầu năm).

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ Tết cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và EU. Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố bất định về nhu cầu tiêu thụ điều nhân chế biến như hạt điều không phải là thực phẩm thiết yếu và rủi ro từ đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước lớn khác. Sức mua từ thị trường Trung Quốc không quá lớn, còn phía các nhà nhập khẩu từ Mỹ và EU đã trữ đủ hàng tồn kho đến tháng 12-2020 nên mục tiêu mà ngành điều Việt Nam đề ra đạt 450.000 tấn và 3,2 tỉ USD đến hết năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Ngọc Ánh/Người lao động