Hiện tượng giới đầu tư ở Trung Quốc dồn tiền vào hàng hoá trong thời gian gần đây được cho là xuất phát từ chính sách kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra nước ngoài chứ không phải do nhu cầu thực tế, nên rủi ro giá quay đầu giảm nhanh là rất lớn.
Những mặt hàng than cốc và thép các loại đã là nạn nhân của tình trạng này, kể cả mặt hàng chì – giá tại Thượng Hải đã giảm mạnh sau khi tăng lên mức cao trước đó. Nay kim loại cơ bản và cao su đang lên ngôi, và khi nào sẽ chịu chung số phận với thép?
“Vốn đang chảy vào những tài sản có độ rủi ro lớn, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, và sản lượng nhiều hàng hoá tăng lên”, Liu Xinwei, nhà phân tích thép thuộc Sublime cho biết.
Các nhà phân tích cho biết giá thép và quặng sắt sau khi tăng lên mức cao kỷ lục nhiều tháng đã phải trải qua đợt bán tháo mạnh – nguyên nhân kéo giá giảm xuống. Trong khi đó các nhà đầu tư lại đang rất chuộng các mặt hàng đồng, kẽm và chì, trong bối cảnh đơn đặt hàng mới của các nhà máy Trung Quốc không tăng. Giới đầu tư đang kỳ vọng chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ông Trump sẽ kích thích tăng nhu cầu nguyên liệu xây dựng.
Giá đồng tại Thượng Hải đã lên mức cao kỷ lục 3 năm rưỡi trong tháng 11, giá thép thanh cũng đạt mức cao nhất kể từ thang 4/2014 vào ngày 29/11 vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá của những mặt hàng này cũng rất ấn tượng.
Giá than cốc kỳ hạn trên sàn giao dịch Đại Liên và thép thanh trên sàn Thượng Hải đã giảm lần lượt 8% và 7%, trong khi quặng sắt cũng giảm 8% chỉ trong một ngày – mức giảm mạnh nhất kể từ khi hợp đồng được đưa ra giao dịch – 3 năm trước đây.
Mặt hàng thép tại Trung Quốc đã tăng giá 90% trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Song mặc dù nhu cầu thép và đồng ở Trung Quốc đang ổn đinh, song nguồn cung những mặt hàng này vốn dư thừa nay đang tăng trở lại.
Rõ ràng, thị trường hàng hoá nguyên liệu đang phụ thuộc rất nhiều và Trung Quốc, và rất có khả năng giá sẽ giảm trong thời gian tới.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet