Trung Quốc không phải thị trường chủ lực của công ty chế biến nông sản Minh Lâm (Hà Nội), nhưng bình quân mỗi năm doanh nghiệp đều xuất 300-400 tấn rau quả gồm ớt, dưa chuột, măng cho một số đối tác lâu năm.

Mấy ngày nay, Giám đốc Nguyễn Văn Dương cứ phấp phỏng ngóng đối tác sang để nhận hàng. "Theo kế hoạch thì 15/8 chúng tôi sẽ xuất trước 50 tấn dưa chuột muối sang cửa khẩu Hữu Nghị cho doanh nghiệp bên đó. Nhưng mãi vẫn chưa thấy họ sang. Chúng tôi không rõ có trục trặc gì không", vị giám đốc bồn chồn. Hàng xuất chậm ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu thụ cũng như trữ kho của công ty.

Ông Dương cho biết trước nay, Minh Lâm luôn giao dịch với đối tác bằng tiền VNĐ tại cửa khẩu Việt Nam. Khi tỷ giá thay đổi bất lợi lớn sẽ thuộc về các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Nông sản Việt Nam phần lớn xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và biên mậu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan 7 tháng đầu năm, trong số 3,72 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 38%. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn cao su, điều, sắn lát...

Sau khi đồng nhân dân tệ liên tục phá giá, trong nhiều lĩnh vực chịu tác động, các mặt hàng nông sản Việt bắt đầu đối mặt với không ít khó khăn từ việc ép giá, phá vỡ hợp đồng của không chỉ đối tác Trung Quốc mà từ các đầu mối nhập khẩu tại một số thị trường khác.

Ông Trần Phước Long - Giám đốc công ty nông sản Mai Hương (Vĩnh Long) cho biết bình quân mỗi năm, doanh nghiệp có 3-4 triệu tấn gạo thông quan theo đường tiểu ngạch để sang Trung Quốc. Theo vị này, do doanh nghiệp thực hiện hợp đồng tổ biên tức là giao dịch tại điểm bên mua nên được thanh toán bằng nhân dân tệ. Khi về Việt Nam, doanh nghiệp phải đổi sang USD để kê khai thuế hải quan cửa khẩu, sau đó tiếp tục bán để lấy VNĐ nên công ty đang chịu thiệt hại kép để bù tỷ giá.

Song, lúc này điều khiến ông lo lắng nhất là gạo Việt Nam có thể mất thế cạnh tranh vì đối tác buộc phải chi tiền nhiều hơn. Điều này sẽ khiến nhà nhập khẩu phải sẽ tìm kiếm mối hàng khác từ đối thủ truyền thống là Thái Lan, Philippines và đặc biệt Campuchia để có lợi nhuận.

"Phía Trung Quốc đang đề xuất doanh nghiệp Việt Nam giảm giá kể cả phải phá bỏ hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, nếu không họ sẽ giảm số lượng nhập hoặc tìm kiếm nhà xuất khẩu khác. Thời gian qua xuất khẩu gạo không hề dễ dàng, nay thêm sức ép này nữa doanh nghiệp không biết xoay sở thế nào", ông than thở.

Không chỉ gạo các mặt hàng khác như rau quả, cà phê, hồ tiêu...xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đang phải tính toán để giảm ảnh hưởng từ tỷ giá.

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cho biết do giá thanh long khá ổn định trong 2 tuần qua, trong khi cầu đang lớn hơn nguồn cung nên đồng nhân dân tệ biến động lúc này chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu địa phương. Song, theo vị này, khoảng 10 ngày tới, bắt đầu thu hoạch vụ mới, nguồn cung lớn khả năng khi đó mặt hàng mới chịu tác động.

"Mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn như các mặt hàng nông sản khác, có chăng giá sẽ giảm so với mức 1 USD mỗi kg như hiện nay. Bởi thanh long đang là mặt hàng độc quyền của Việt Nam nên nhà nhập khẩu Trung Quốc khó tìm được thị trường khác thay thế", ông nói.

Theo nhận định của một số hiệp hội ngành, do nhà nhập khẩu Trung Quốc phải chi nhiều tiền hơn trước đây nên chắc chắn nhu cầu đơn hàng nông sản sẽ giảm đáng kể. Để giữ bạn hàng, đối tác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải giảm giá bán, lợi nhuận vì thế cũng sẽ giảm.

Các doanh nghiệp không xuất hàng trực tiếp sang thị trường Trung Quốc lại chịu áp lực riêng, khi các đầu mối trung gian nhập khẩu "té nước" ăn theo đồng nhân dân tệ. Bà Nguyễn Thị Mận - Giám đốc công ty chế biến nông sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) cho hay tất cả các đơn hàng đều không giảm về lượng nhưng giảm mạnh về giá trị. "Vì muốn xuất hàng đến các đối tác Australia, Hàn Quốc, Đức, doanh nghiệp đang phải thông qua một đầu mối trung gian Trung Quốc tại các thị trường này nên họ yêu cầu doanh nghiệp thanh toán theo nhân dân tệ", bà cho biết.

Theo bà, lúc này doanh nghiệp đang phải cân đối từng mặt hàng với số lượng cụ thể, chứ không thể xuất ồ ạt như trước. Dù không lo bị hủy hợp đồng vì sự cố xuất không phải từ doanh nghiệp Việt Nam. Song, chủ doanh nghiệp này cũng đang phải tính toán để tìm kiếm các thị trường khác ổn định hơn.

Trước đó, liên tiếp từ 11-14/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần lượt hạ tỷ giá tham chiếu với các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994, đảo ngược chính sách ổn định đồng nội tệ trước đó. Là quốc gia láng giềng và có mối quan hệ kinh tế mật thiết, theo đánh giá chuyên gia nhân dân tệ mất giá sẽ tác động tiêu cực lên cán cân thương mại Việt Nam và tạo áp lực lên tiền đồng, chứng khoán... song cũng có thể làm nhẹ bớt các khoản vay.

  Theo Thành Tâm

VNExpress

Nguồn: VNExpress