Hiệp ước nguồn cung 3 năm giữa OPEC và các nhà sản xuất khác gồm cả Nga đã sụp đổ trong tháng này, sau khi Moscow từ chối hỗ trợ kế hoạch cắt giảm thêm sản lượng của Riyadh, đã thúc đẩy Saudi Arabia nâng sản lượng dầu lên cao kỷ lục.
Kết quả nguồn cung tăng trùng hợp với giai đoạn nhu cầu giảm do các chính phủ trên khắp thế giới thực hiện lệnh phong tỏa quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Cuộc tấn công kép này khiến giá dầu Brent giảm xuống dưới 25 USD/thùng, thấp nhất trong 17 năm và làm giảm thu nhập của các nhà sản xuất dầu mỏ.
Một quan chức của Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết “không có liên lạc nào giữa các Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia và Nga về sự gia tăng số lượng các quốc gia OPEC+, cũng như không có bất kỳ cuộc bàn luận nào về một thỏa thuận chung để cân bằng thị trường dầu mỏ”. Nhận xét này được đưa ra sau khi một quan chức cao cấp của Nga cho biết một số lượng lớn các nhà sản xuất dầu có thể hợp tác với OPEC và Nga, ám chỉ gián tiếp tới Mỹ, nhà sản xuất lớn nhất thế giới chưa bao giờ cắt giảm sản lượng.
Kirill Dmitriev, giám đốc quỹ tài sản có chủ quyền của Nga và Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak là các nhà đàm phán hàng đầu của Nga về hiệp ước OPEC trước đó. Dmitriev từ chối cho biết các quốc gia nào có thể tham gia thỏa thuận mới.
Thỏa thuận giữa OPEC và Nga bị phá hủy sau khi Moscow từ chối hỗ trợ việc hạn chế sản lượng nhiều hơn, cho rằng còn quá sớm để ước tính ảnh hưởng của đại dịch.
Các quan chức và giám đốc điều hành các công ty dầu tại Nga bị chia rẽ vì sự cần thiết cắt giảm sản lượng, Dmitriev và Novak ủng hộ sự hợp tác trong khi giám đốc công ty Rosneft, Igor Sechin đã chỉ trích việc cắt giảm là cung cấp huyết mạch cho ngành công nghiệp đá phiến kém cạnh tranh của Mỹ. Tổng thống Vladimir Putin có rất ít bình luận kể từ khi thỏa thuận OPEC+ sụp đổ.
Ý tưởng về việc Washington hợp tác với OPEC từ lâu đã được coi là không thể, nhất là vì luật chống độc quyền của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự tức giận với OPEC vì hành động dẫn đến giá tăng.
Tuy nhiên, động thái mới nhất của Saudi Arabia đã đặt Washington vào thế khó - cuộc chiến giành thị phần của họ đã dẫn đến giá rất thấp nhưng cũng làm suy yếu ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, nơi có chi phí cao hơn nhiều so với sản xuất của Saudi Arabia hoặc Nga.
Chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi để cứu ngành công nghiệp đá phiến, vốn đã vay hàng nghìn tỷ USD để cho phép nước này trở thành nhà xuất khẩu dầu khí lớn mặc dù chi phí thường không cạnh tranh.
Một nhóm sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo trong tuần này nói rằng Saudi Arabia và Nga "đã bắt đầu chiến tranh kinh tế chống lại Mỹ" và đang đe dọa sự thống trị năng lượng của Mỹ.
Họ kêu gọi Saudi Arabia từ bỏ OPEC, đảo ngược chính sách sản lượng cao, hợp tác với Mỹ trong các dự án năng lượng chiến lược hoặc đối mặt với hậu quả.
Tuần trước ông Trump cho biết sẽ can thiệp trong cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vào thời điểm thích hợp.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một công ty tư vấn cho Mỹ và các quốc gia công nghiệp khác, cũng kêu gọi Saudi Arabia giúp ổn định thị trường dầu mỏ.
Algeria, hiện đang giữ chức chủ tịch OPEC đã kêu gọi một cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của nhóm tổ chức trước ngày 10/4/2020 để bàn luận về tình trạng thị trường dầu mỏ.
 

Nguồn: VITIC/Reuters