Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông, lâm, thủy sản (NLTS) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2,62%/năm với chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; năng suất lao động NLTS bình quân đạt 6,8%/năm.
Đáng chú ý, xuất khẩu NLTS tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản đã có kết quả rõ nét với trên 1.500 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực thẩm trên cả nước.
Cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.
Đó là quá trình cơ cấu lại còn chậm, chưa đồng đều giữa các vùng miền; tăng trưởng ngành còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường.
Thị trường tiêu thụ ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, trong khi số lượng sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu chưa nhiều.
Đặc biệt, công tác dự báo cung, cầu thị trường tiêu thụ nông sản còn yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn chưa phổ biển.
Từ những thực tế nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cơ cấu lại ngành một cách thực chất, hiệu quả hơn trong bối cảnh và yêu cầu mới là rất cần thiết.
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT nêu rõ, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (GDP) ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,5 đến 3,0%/năm.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 5%/năm...
Có 3 nhóm nhiệm vụ chính được triển khai nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra gồm: Cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.
Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ cụ thể đối với phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực là: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Ở góc độ cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực, Bộ NN&PTNT nêu rõ gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp theo hướng cụ thể hóa tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân từng lĩnh vực, cơ cấu lại sản xuất nội ngành của từng lĩnh vực và các nội dung cần đẩy mạnh cơ cấu lại trong giai đoạn tới.
Với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, định hướng là đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế...

Nguồn: haiquanonline.com.vn