Hiệp hội Cacao châu Á dự đoán rằng, nhu cầu chưa thể hồi phục ngay bởi ở một số quốc gia, làn sóng lây nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng. Khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch, những hạn chế trong việc đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu mới có thể tăng tốc.
 Những năm gần đây, lượng cacao xay nghiền ở châu Á không ngừng tăng nhanh. Cacao được nghiền thành bột để chế biến thành bơ, sôcôla, đồ uống, kem và bánh quy. Châu Á được đánh giá là có tiềm năng khổng lồ đối với mặt hàng sôcôla bởi người dân ngày càng giàu có với lối sống thay đổi nhanh. Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch, tốc độ tăng trưởng bị chậm lại đáng kể do những đợt đóng cửa nhà hàng trên diện rộng.
Tình trạng trì trệ này có thể sẽ tiếp diễn đến hết quý I/2021 và tính cả năm nay, chế biến cacao trong khu vực châu Á được dự báo cũng chỉ tăng 2 – 3% so với mức 830.241 tấn trong năm 2020.
Khi nghiên cứu về triển vọng nhu cầu cacao, ông Lee – Chủ tịch Hiệp hội cacao châu Á nhận thấy, các thế hệ trẻ đã trở thành những người “nghiện” sôcôla, và sự bùng nổ của công nghệ (thương mại điện tử).
Tại Trung Quốc, dịch bệnh đã khiến những người tiêu dùng trẻ tuổi tìm đến các kênh thương mại trực tuyến để mua đồ ăn ngon và lựa chọn sôcôla như một đồ ăn phong cách.
Theo ông Lee, tiêu thụ đã bùng nổ thông qua các nhà hàng phục vụ nhanh và sự phát triển của các quán cà phê như Starbucks. Các thế hệ 8X và 9X và đầu 2K là “niềm hy vọng lớn của sôcôla” ở châu Á.
Tại Ấn Độ, sôcôla là một quà tặng được lựa chọn rất phổ biến. Mức độ quan tâm đến sôcôla của người dân Ấn Độ tương đương mức tăng trưởng tiêu thụ sôcôla ở Trung Quốc, nếu không muốn nói là mạnh hơn.

Nguồn: VITIC/Bloomberg