Nguyên nhân Trung Quốc giảm nhập sắn Việt Nam
Theo baohaiquan.vn, những tháng đầu năm nay, dù Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu sắn của Việt Nam, song kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh.
3 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 698 nghìn tấn và 260 triệu USD, giảm 21,7% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 3, giá xuất khẩu đạt 373 USD/tấn, tương đương tăng 7,8%. Xét về cơ cấu sản phẩm, tháng 3, tinh bột sắn chiếm 70,9% và sắn lát chỉ chiếm 29,1% tổng khối lượng xuất khẩu, trong khi, năm 2017, tinh bột sắn là 57,9% và sắn lát là 42,1%.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 88,5%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, xuất khẩu tháng 3 đã giảm tới 32,3% về lượng và 16,6% về giá trị.
Thực tế, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia của Trung Quốc (Sinograin) thông báo rằng đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn và dẫn tới sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan, đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu.
Dự báo giá cao su tăng trở lại do Trung Quốc kích thích kinh tế
Baohaiquan.vn đưa tin, khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm đạt 349 nghìn tấn và 461 triệu USD, tăng mạnh 32,8% về khối lượng và 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù tăng về giá trị nhưng giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.288 USD/tấn, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường cao su nguyên liệu trong nước vẫn tiếp diễn trạng thái trầm lắng. Thủ phủ cao su Bình Phước bước vào giai đoạn ngừng cạo mủ. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Dự báo, giá cao su có thể tăng trở lại trong thời gian tới do thị trường kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ, có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay và sẽ cắt giảm thuế với quy mô lớn. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Trong năm 2019, mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của toàn cầu có thể sẽ chậm lại, ở mức 2,5%/năm. Đồng thời, bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên. Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường lớn như trước đây.
Giá lúa gạo tăng mạnh
Vov.vn đưa tin, những ngày gần đây, giá lúa gạo tại Tiền Giang tăng cao. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa giống 50404 giá 4.600 đồng/kg, lúa 6979 giá 4.800 đồng/kg tăng từ 300-500 đồng/kg so với tháng trước. Riêng các loại gạo giá cũng tăng từ 800 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, gạo giống 5451 giá 10.600 đồng/kg, gạo 2517 giá từ 9.700 - 10.000 đồng/kg.
Giá lúa gạo tăng cao là do diện tích lúa chưa thu hoạch đã giảm, thị trường tiêu thụ gạo có chuyển biến tích cực, chủ trương hỗ trợ tạm trữ gạo đối với các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Tại tỉnh Tiền Giang, người dân đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nên các thương lái phải đi thu mua lúa gạo từ các địa phương khác.
Mấy ngày nay giá gạo lên cao, một tấn tăng hơn 1 triệu đồng, tăng hơn 300 đồng/kg so với tuần trước.
Người dân Hà Tĩnh lao đao vì ốc hương chết hàng loạt
Theo baogiaothong.vn, từ đầu tháng 4 đến nay, người nuôi trồng ốc hương giá trị cao ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa vì ốc đồng loạt chết không rõ lý do.
Hợp tác xã Thiên Phú, xã Cẩm Lĩnh có 10 hồ với tổng diện tích 35.000m2 (3.500m2/1 ao), nuôi khoảng 27 triệu con ốc giống được hơn 1 tháng nay. Cách đây khoảng 5 ngày thì ốc trong 6 ao lăn đùng ra chết không rõ lý do, tình trạng chết vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Tổng thiệt hại do ốc chết gây ra đối với HTX đã lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Theo thống kê, tổng diện tích nuôi ốc hương của xã Cẩm Lĩnh là 21,7ha của 51 ao nuôi với 124,1 triệu con giống. Từ đầu tháng 4/2019 đến nay đã có 10,8ha của 33 ao nuôi với 84,6 triệu con giống bị chết, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân.
Từ 1/5/2019, dưa hấu lót rơm không được xuất sang Trung Quốc
Theo vietnambiz.vn, từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng kí thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Trong đó, đặc biệt lưu ý về thông tin, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Đối với mít yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói (nơi trồng, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nơi đóng gói, thông tin liên hệ) thông qua mã số vùng trồng được các địa phương đăng ký lên được Cục Bảo vệ thực vật gửi sang cho phía Trung Quốc để đưa vào hệ thống dữ liệu hải quan.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet