Giá sắn giảm do Trung Quốc giảm mua
Trang vietnambiz.vn đưa tin, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do từ năm 2018 đến nay nước này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức cao thông qua đấu giá định kì.
Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy 2.700 – 2.850 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg so với cuối tháng 2. Tại Kon Tum 2.300 – 2.550 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Giá sắn thấp mà vẫn không tiêu thụ được khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Hai tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến sắn tạm ngừng mua vì còn tồn hàng nhiều.
Thị trường sắn ngày càng bấp bênh cũng vì đầu ra phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Những năm trước, đầu ra cho sắn khá ổn định vì Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, những doanh nghiệp chế biến sắn chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ cũng không mở rộng đầu tư vì ngành hàng này quá rủi ro.
Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn (giá FOB) tại cảng TP. HCM. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam vẫn trong trạng thái ảm đạm do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc chưa có nhiều.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm do từ năm 2018 đến nay nước này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức cao, thông qua đấu giá định kì.
Xuất khẩu gạo khó khăn do dư cung
Thông tin từ thanhnien.vn, giá gạo xuất khẩu của VN hiện rẻ hơn cùng kỳ khoảng 72 USD/tấn, so với 5 năm trước vẫn rẻ hơn 32 USD/tấn (chưa tính trượt giá).
Giá gạo xuất khẩu chỉ còn khoảng 7.700 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ra một ký lúa khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg.
Xuất khẩu gạo năm nay rất khó vì thị trường đang dư cung. Thông tin từ Philippines cho biết năm rồi nước này trúng mùa lịch sử nên nhu cầu nhập khẩu gạo của họ năm nay không lớn. Bên cạnh đó, dù bỏ độc quyền và cấp phép cho hơn 180 doanh nghiệp được tự do nhập khẩu nhưng nước này lại tăng thuế nhập khẩu lên đến 35%, để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là rào cản rất lớn với các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Philippines. Ngoài ra Indonesia sản xuất trong nước cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Đây là 2 thị trường nhập khẩu gạo lớn của thế giới. Nhu cầu của họ giảm làm cho thặng dư gạo trên thị trường thế giới nói chung tăng. Đối với nguồn cung, Trung Quốc và Ấn Độ đang “thay kho” dự trữ bằng cách đẩy gạo cũ ra với giá rất cạnh tranh làm gia tăng áp lực cho thị trường.
Không riêng gì giá gạo VN ngày càng rẻ mà đây là xu hướng chung của các nước xuất khẩu gạo toàn thế giới. GS-TS Bùi Chí Bửu nhiều lần cảnh báo: Dung lượng thị trường lúa gạo toàn cầu rất bé, chỉ khoảng hơn chục tỉ USD. Mỗi biến động từ nguồn cung hay cầu đều có thể làm thị trường chao đảo. Thông qua chủ trương tái cơ cấu, VN nên tính đến việc khai thác những thị trường có dung lượng lớn hơn rất nhiều lần như rau quả và hoa. Để khai thác những thị trường này cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như chính sách của nhà nước.
Ớt đầu mùa tăng giá lên 30.000 đ/kg
Theo vnexpress.net, ớt được thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc tăng giá mạnh so với năm ngoái giúp nông dân Quảng Ngãi, Bình Định lãi tiền triệu sau vài đợt hái.
Từ sau Tết đến nay, giá ớt tăng liên tục từ 20.000 lên 30.000 đ/kg. Năm ngoái, giá ớt chỉ 25.000 đ/kg, nhưng năm nay tăng lên 30.000 đ/kg tại ruộng.
Tương tự Quảng Ngãi, cây ớt ở Bình Định nhiều năm nay có đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc, song giá cả không ổn định giữa các năm, và đầu mùa so với cuối mùa. Cuối tháng 5/2017, giá ớt chỉ còn 2.000 đ/kg.Tại huyện Phù Mỹ, "thủ phủ" ớt của Bình Định, giá ớt chỉ thiên tăng lên 30.000 - 32.000 đ/kg, ớt chỉ địa lên đến 25.000 đ/kg.
Giá cao gấp 8 lần, nhót Hà Nội đổ vào Nam
Thông tin từ vnexpress.net, một kg nhót tại vườn có giá 20.000 đồng, khi vào Sài Gòn dù bán ở vỉa hè cũng lên tới 150.000 đồng. Tháng 3 là lúc nhót chín rộ, người dân tại Hoài Đức, Hà Nội tất bật thu hoạch, bán với giá 20.000 - 30.000 đ/kg. Tuy nhiên, khi vận chuyển vào Nam giá trái cây này tăng gấp 8 - 10 lần.
Nhót không chỉ bán đầy đường mà trên mạng xã hội cũng được rao bán với giá dao động 200.000 đ/kg, gấp 10 lần so với giá tại vườn.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết không nhập nhót. Mặt hàng này được giới buôn vận chuyển vào Nam bằng nhiều đường khác nhau nên giá và chất lượng khó kiểm soát.
Canada là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng
Theo bizlive.vn, các chuyên gia nhận định năm 2019, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada dự báo sẽ tăng trưởng khả quan.
Từ năm 2015 đến nay, nhập khẩu thủy sản của Canada liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng trên 3%. Năm 2018 nhập khẩu thủy sản của Canada đạt 2,8 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2017; năm 2017 tăng 3,8% so với năm 2016.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Canada với trị giá 232 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2017. Thị phần thủy sản Việt Nam theo trị giá chiếm 8,3% trong tổng nhập khẩu của Canada trong năm 2018, tăng so với mức 7,9% trong năm 2017.
Năm 2018, Canada đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam với lượng đạt 14 nghìn tấn, trị giá 155,7 triệu USD, tăng 8,9% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với năm 2017. Tôm Việt Nam chiếm thị phần khá cao trong tổng nhập khẩu của Canada, mặc dù giá tôm Việt Nam cao hơn so với mức giá nhập khẩu trung bình của nước này. Năm 2018, thị phần tôm Việt Nam chiếm 25,3% về lượng trong tổng lượng nhập khẩu của Canada, tăng so với mức 23,1% trong năm 2017.
Năm 2019, theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ,... của Canada từ Việt Nam đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Trồng rừng nguyên liệu chế biến gỗ: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo baodaklak.vn, Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng về phát triển rừng trồng làm nguyên liệu chế biến gỗ, thế nhưng hiện ngành chế biến gỗ Đắk Lắk lại đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.
Điều này đã khiến không ít đơn vị hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động, một số thì chuyển sang ngành nghề khác hoặc phải mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc. Nguyên nhân, phần lớn rừng trồng sản xuất hiện nay chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy và cây gỗ nhỏ. Việc trồng rừng gỗ lớn để phục vụ sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế chưa được quan tâm phát triển.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh rất cần Chính phủ bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tăng mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là từ 30 triệu đồng/ha lên 60-70 triệu đồng/ha; tăng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn từ 8 triệu đồng/ha lên 12-15 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng/ha lên 10 triệu đồng/ha.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet