Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng cao liên tục trong nửa đầu năm nay. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 439,8 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Gần 90% giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm qua là sản phẩm tôm chân trắng. Trong đó, giá trị tôm chân trắng chế biến (HS16) tăng 26%; tôm chân trắng sống/tươi, đông lạnh (HS03) tăng 49%. Tôm sú chỉ chiếm 8,5% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, cũng ghi nhận giá trị tăng 55%.
Theo nhận định của VASEP, doanh số bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ cao nhằm phục vụ bán hàng mang đi và giao hàng tận nơi. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi do tốc độ tiêm vắc xin nhanh chóng ở nước này.
Theo số liệu của USDA, những tháng đầu năm nay, top 8 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ lần lượt gồm: Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina, Trung Quốc. 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 327,8 nghìn tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 27% về khối lượng và 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 5 nguồn cung tôm chính cho Mỹ, nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Mỹ đạt tăng trưởng cao nhất, tiếp đó là Việt Nam. Điều đó cho thấy, tôm Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam tốt hơn so với Ấn Đô và Indonesia.
Ngành tôm Ấn Độ hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid -19, dịch bệnh trên tôm, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm. Ngành tôm Ecuador năm 2020 cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá tôm liên tục giảm, vận chuyển, logistics, thị trường bị gián đoạn do dịch Covid-19. Thái Lan ngày càng giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm do căng thẳng chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa chấm dứt.
Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan lần lượt là các nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm tôm thịt đông lạnh cho Mỹ. Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ về cung cấp sản phẩm này cho Mỹ. Việt Nam xuất khẩu 11.770 tấn tôm thịt chế biến đông lạnh (HS 1605211030) sang Mỹ , trị giá trên 124 triệu USD, tăng 81% về giá trị và 76% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng trưởng cao nhất trong số các nước cung cấp sản phẩm này cho Mỹ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay do sức cạnh tranh và lợi thế về ổn định sản xuất trong đại dịch Covid-19.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho tới nay, người tiêu dùng Mỹ vẫn ưa chuộng sản phẩm tôm chế biến và giá trị gia tăng. Bất chấp đại dịch Covid-19, nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng 7% so với năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng nhập khẩu tôm của Mỹ trong những năm tới tăng trưởng tốt và ổn định, tới năm 2027, khối lượng nhập khẩu tôm của nước này có thể vượt mức 1 triệu tấn.
Hiện nay, việc triển khai tiêm văc xin cho người dân Mỹ đang diễn ra nhanh chóng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước này đang khôi phục và ổn định lại, nhiều thông tin cho rằng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong năm 2021 sẽ tăng mạnh. Do đó, đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong năm nay khi thị trường tôm của một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng xuất khẩu nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam bị chậm trễ trong việc hỗ trợ, cũng như tiêm vắc xin cho công nhân sản xuất tại các nhà máy.

Nguồn: haiquanonline.com.vn