Bảng giá gạo ngày 30/7

 

 Đáng chú ý là giá gạo trắng hạt dài cao cấp 5% tấm của Việt Nam giảm 5 USD/tấn trong ngày 30/7.

Giá gạo bán buôn trung bình tại Ấn Độ tiếp tục giảm trong tháng 7/2015

Tháng 7/2015, giá gạo bán buôn trung bình tại Ấn Độ là 2.646,88 rupee/tạ, giảm khoảng 4% so với tháng 6/2015 và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính theo USD thì giá gạo bán buôn tại Ấn Độ hiện là 415 USD/tấn.

Giá gạo bán buôn tại Ấn Độ bắt đầu giảm từ tháng 6/2015 sau khi liên tiếp tăng trong 3 tháng trước đó. Giá gạo bán buôn giảm chủ yếu do nguồn cung nội địa tăng mạnh trong khi nhu cầu xuất khẩu suy yếu.

Tuy nhiên, giá gạo trung bình của Ấn Độ dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới do sản lượng gạo sụt giảm khi hiện tượng El Nino hoạt động mạnh trong khoảng tháng 7 - tháng 9. Hiện tại, một số nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Indonesia, Philippines, cũng đang hứng chịu hậu quả từ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này.

USDA ước tính, sản lượng gạo trong vụ 2015 -2016 (từ tháng 10/2015 - tháng 9/2016) đạt khoảng 104 triệu tấn, tăng 1,5% so với vụ 2014 - 2015. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ ước tính đạt 10,2 triệu tấn trong năm nay, tăng nhẹ từ mức 10,15 triệu tấn của năm 2014.

Trung Quốc hoãn cấp khoản vốn 300 triệu USD cho dự án lúa gạo của Campuchia

Theo nguồn thạo tin, Trung Quốc hoãn cấp vốn cho dự án lúa gạo của Campuchia do chính phủ nước này không thể đáp ứng các yêu cầu do Trung Quốc đưa ra. Nếu được thông qua, số vốn 300 triệu USD này sẽ được sử dụng để xây dựng 10 nhà kho có tổng sức chứa tới 1,2 triệu tấn gạo/thóc tại Campuchia.

Cố vấn cấp cao của Hội đồng kinh tế quốc gia tối cao Campuchia cho biết, các đối tác Trung Quốc đang gặp một số vấn đề kỹ thuật. Hai bên đều nhận thấy những lợi ích từ thỏa thuận này và vẫn đang tiếp tục đàm phán.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 283.825 tấn gạo, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của chính phủ. USDA ước tính, Campuchia sẽ xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo (bao gồm cả xuất khẩu chính thức và không chính thức sang Thái Lan và Việt Nam) trong năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.

Lũ lụt có thể không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Myanmar


Tờ Myanmar Times trích lời của Tổng thư ký Hiệp hội lúa gạo Myanmar cho biết, dù mưa lớn và lũ lụt tại vùng Sagaing, Shan và Kachin đã làm thiệt hại hơn 24.000 hecta lúa nhưng xuất khẩu gạo của nước này có thể không bị ảnh hưởng lớn.

Ông cũng đề nghị chính phủ Myanmar tăng cường hỗ trợ người nông dân sau đợt mưa lũ ngày 19/7/2015. Một số nông dân tại vùng Sagaing cho biết, người dân vẫn còn thời gian trồng lại lúa đến tận đầu tháng 9 nếu có thể xoay sở đủ tài chính cho phân bón và hạt giống.

Hiệp hội lúa gạo Myanmar kỳ vọng, sản lượng thóc năm 2015 của nước này sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn (8,96 triệu tấn gạo). Chính phủ Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Trong khi đó, USDA ước tính, sản lượng và xuất khẩu gạo của Myanmar trong vụ 2015 - 2016 (tháng 1 - tháng 12/2015) lần lượt đạt 12,8 triệu tấn và 2 triệu tấn.

Indonesia bảo vệ thành công 102.000 hecta lúa khỏi hạn hán

Theo Bộ trưởng nông nghiệp Indonesia, chính phủ nước này đã bảo vệ thành công khoảng 102.000 hecta lúa, tương đương 500.000 tấn thóc trị giá 149 triệu USD, khỏi hạn hán trong giai đoạn tháng 10/2014 - tháng 7/2015. Chỉ có 57.000 hecta đất trong lúa bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán kéo dài 10 tháng qua.

Theo đó, chính phủ Indonesia đã bố trí khoảng 82.000 máy bơm trên khắp các vùng trồng lúa để đảm bảo việc tưới tiêu đầy đủ. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi hệ thống tưới tiêu và phân phối nước hợp lý khi cần thiết.

USDA ước tính, sản lượng và nhập khẩu gạo của Indonesia lần lượt đạt 36,3 triệu tấn và 1,25 triệu tấn trong vụ 2014 - 2015 (tháng 10/2014 - tháng 9/2015).

Nguyễn Dung

Theo Oryza