Bảng giá gạo ngày 3/9

 


Giá gạo trắng toàn cầu tháng 8 giảm 9 USD so với tháng trước

Chỉ số giá gạo trắng (WRI) của Oryza, cho biết giá xuất khẩu gạo trắng trung bình trên toàn cầu, chốt tháng 8/2015 ở 388 USD/tấn, giảm 9 USD/tấn so với tháng 7 và giảm 87 USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá và khối lượng gạo xuất khẩu vẫn chịu áp lực tăng giá do hiện tượng El Nino hoạt động mạnh hơn, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo toàn cầu.

Trung Quốc thúc đẩy sản lượng gạo do nhu cầu tiêu thụ tăng

Trung Quốc đang tìm cách để thúc đẩy sản lượng gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày tăng. Tuy nhiên theo giới chuyên gia phân tích, Trung Quốc trước tiên phải giải quyết vấn đề ô nhiễm đất và nước trầm trọng.

Cũng giống như ô nhiễm nước và không khí, ô nhiễm đất sẽ kéo theo những hậu quả về kinh tế và chính trị rất nghiêm trọng đối với Trung Quốc, theo giám đốc Viện nghiên cứu châu Á thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế New York. Bà cho biết, Trung Quốc sản xuất ra ít nhất 12 triệu tấn gạo bị nhiễm kim loại nặng hàng năm với giá trị lên tới 3,2 tỷ USD. Thậm chí, chất cadmium còn được tìm thấy trong gạo của Trung Quốc với hàm lượng cao.

Năm 2014, Bộ bảo vệ môi trường và Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc báo cáo, có 16,1% diện tích đất của Trung Quốc bị ô nhiễm, trong đó gồm 19,4% đất nông nghiệp.

Trung Quốc hiện đang thực hiện một số biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm đất nước. Tháng 4/2015, chính phủ Trung Quốc vừa thông qua Kế hoạch hành động Kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm nước. Bộ Bảo vệ môi trường dự kiến sẽ ban hành luật bảo vệ đất đai mới từ năm 2017.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích vẫn cho rằng, Trung Quốc cần phải tăng cường nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí là nhập khẩu xuyên biên giới. Ước tính hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào Trung Quốc qua con đường không chính thức.

Theo ước tính của Hội hồng Ngũ cốc quốc tế, sản lượng gạo trắng của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 144,6 triệu tấn và nhập khẩu đạt 4 triệu tấn trong năm 2015.

Xuất khẩu gạo Myanmar dự báo giảm 5% trong năm 2015

USDA ước tính, xuất khẩu gạo của Myanmar sẽ giảm 5% so với năm ngoái, xuống 1,6 triệu tấn trong năm 2015, do chính phủ cấm xuất khẩu đến giữa tháng 9/2015.

Để đảm bảo an ninh lương thực trong thời điểm hạn hán, chính phủ Myanmar đã nhất trí cấm xuất khẩu gạo đến ngày 15/9/2015.

USDA cho rằng, chính phủ Myanmar có thể sẽ kéo dài thời hạn cấm xuất khẩu gạo, tùy theo tốc độ phục hồi của những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trước đó, Hiệp hội Lúa gạo và chính phủ Myanmar cho biết có thể sẽ phải nhập khẩu gạo nếu cần thiết.

Nguyễn Dung

Theo Oryza