Các thương nhân ở Việt Nam đã bán cà phê robusta loại 2, tỉ lệ đen vỡ 5% với giá 60 - 90 USD/tấn đối với hợp đồng tháng 9, trừ lùi 100 USD/tấn (FOB). Theo các chuyên gia phân tích thị trường và thương nhân, dự kiến giá sẽ cải thiện và ổn định hơn từ tháng 8 hoặc tháng 9, trước khi mùa thu hoạch được bắt đầu.

Việt Nam đã xuất khẩu 146.000 tấn cà phê, tương đương 2,44 triệu bao (loại 60 kg) trong tháng 5, tăng 2% so với tháng 4, dữ liệu hải quan công bố hôm ngày 11/6. Tính cả 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 777.758 tấn cà phê, giảm 11,8% so với cùng kì năm trước.
Trong bối cảnh thị trường cà phê toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do giá liên tục giảm và ở mức thấp, để ngành cà phê Việt Nam xuất khẩu ổn định và chinh phục các thị trường khó tính thì đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa phục vụ cho phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm.
Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc rất quan trọng. Hệ thống thông tin mã số vùng trồng là cơ sở dữ liệu như sổ tay nông hộ điện tử giúp nông dân quản lý đầu vào sản xuất; các tổ chức chứng nhận có thể kế thừa để giảm giá thành chứng nhận; giúp các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, định hướng đầu tư, tài trợ vào lĩnh vực sản xuất; cơ quan quản lý nhà nước có sở dữ liệu trong định hướng, phát triển cà phê bền vững. Qua đây có thể tạo niềm tin cho các nhà chế biến và người tiêu dùng về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm chất lượng và an toàn.
Tại Indonesia, giá cà phê loại 4 khiếm khuyết 80 được cung cấp với mức trừ lùi 170 - 200 USD cho hợp đồng tháng 7 trong tuần qua, thu hẹp từ mức trừ lùi tối đa 240 USD vào tuần trước đó, một thương nhân ở tỉnh Lampung, Indonesia cho biết.
Nhu cầu đã chậm lại vì người mua cà phê vẫn đang cân nhắc với mức trừ lùi cao. Trong khi đó, các thương nhân mong đợi nguồn cung cà phê nhiều hơn trong tháng này khi tiến độ thu hoạch bắt đầu tăng nhanh.
Sản lượng cà phê xuất khẩu của Lampung, Indonesia trong tháng 5 tăng 38% khi khu vực này bắt đầu bước vào thời kì thu hoạch mặc dù các lô hàng giảm so với cùng kì năm ngoái.
Theo các nhà quan sát, người mua đang tìm kiếm những loại cà phê có chất lượng cao hơn, nhất là các loại cà phê đặc sản. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện đại buộc các nước sản xuất cà phê phải nâng cao công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Theo ICO, trong vòng 12 tháng qua, tính đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu cà phê robusta của toàn cầu đã tăng thêm 2,16% lên đạt 45,39 triệu bao, chủ yếu từ nguồn cung Brazil.