Giá cá giảm do bất lợi từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ, trong khi tình hình tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang chậm lại vì chính sách nhập khẩu.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã có buổi họp khẩn cấp bàn các giải pháp tháo gỡ.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2019 cá nguyên liệu còn mức cao khoảng 30.000-31.000 đ/kg, đến tháng 3 giảm còn khoảng 25.000đ/kg, sau đó giảm liên tục và hiện còn khoảng 20.500đ/kg.
Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Nhưng hậu quả còn kéo theo cá tra giống giảm mạnh liên tục theo xu thế của giá cá nguyên liệu. Cá tra giống từ đầu năm đến tháng 3/2019 giá cao khoảng 30.000đ/kg nhưng hiện giảm còn khoảng 17.500đ/kg.
Đến cuối tháng 7/2019, cá tra giảm cả 3 mặt, từ diện tích đến sản lượng và năng suất. Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL và Tổng cục Thủy sản, đến 31/7 diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh ĐBSCL gần 2.300 ha, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích thu hoạch hơn 2.300 ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 739.000 tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và năng suất trung bình đạt 317 tấn/ha, so với năm 2018 là 319 tấn/ha.
Cùng với người chăn nuôi cá tra, thì các doanh nghiệp cũng rất lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, dù biết rằng chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang dẫn đầu với 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra VN, kế đến là EU (15%) và Mỹ (14,2%).
Nếu xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, chắc chắn ngành thủy sản VN nói chung và ngành cá tra nói riêng sẽ khó tránh khỏi bị tác động. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phải tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới.
Đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh nên giá cá tra Việt Nam xuất sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó người dân Trung Quốc cân nhắc khi mua sản phẩm này. Trong bối cảnh giá cá tra đang ở mức thấp, việc gặp khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường đang tiêu thụ mạnh sản phẩm cá tra Việt Nam - chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn không chỉ với doanh nghiệp xuất khẩu mà người nuôi cá cũng vạ lây. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác thay vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Được biết, chiều ngày 9/8/2019, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp "Đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ và bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra các tháng cuối năm 2019". Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho rằng đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh sẽ khiến hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong thời gian tới gặp khó khăn hơn, ảnh hưởng chung đến toàn ngành thủy sản.
Thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (POR 14) đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN.
Trong khi đó, các nước trong khu vực đang có xu hướng gia tăng nuôi cá tra như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc, với diện tích thả nuôi cá tra ngày càng lớn.
Cũng tại cuộc họp, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của Trung Quốc; thường xuyên cập nhật diễn biến để chủ động có các giải pháp kịp thời.
Với thị trường Mỹ, tập trung giải quyết các rào cản (POR 14, Farm Bill...); khơi thông lại thị trường Saudi Arabia; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và các thị trường mới...
Nguồn: VITIC/Nông nghiệp Việt Nam, Vietnambiz

Nguồn: Vinanet