Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá giảm 3 USD/tấn xuống 419 – 423 USD/tấn do nhu cầu yếu đi mặc dù xu hướng giảm được hạn chế bởi nguồn cung trong nước thấp dần.
Nhu cầu từ khách hàng châu Phi và châu Á vẫn yếu mặc dù giá giảm, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang miền nam - Andhra Pradesh- chobieets. “Bangladesh đã giảm mua trong mấy tuần qua”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Lương thực Bangladesh cho biết các thương gia của họ đang xem xét nhập khẩu thêm gạo, chủ yếu từ Ấn Độ, do giá nội địa vẫn cao.
“Giá gạo tại Bangladesh vẫn cao hơn so với ở các nước láng giềng. Ngay cả sau khi nhập khẩu, các thương gia vẫn đang muốn nhập khẩu thêm nữa, chủ yếu từ Ấn Độ”, vị quan chức này cho biết.
Trong khi đó giá gạo ở Việt Nam cũng giảm, loại 5% tấm xuống 405-415 USD/tấn, từ mức 410-415 USD/tấn một tuần trước đây, vì đang vào giai đoạn thu hoạch cao điểm.
Các thương gia cũng cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng sẽ có những hợp đồng mới với Indonesia và Malaysia theo hình thức liên chính phủ.
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo Japonica đang trở thành một trong những phân khúc gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Theo VFA, loại gạo này trước đây chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu, nhưng đã tăng mạnh trong năm vừa qua, chiếm 4,4% trong cơ cấu xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2017.
Chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi mạnh trong những năm gần đây. Gạo thơm có tăng trưởng thị phần mạnh nhất từ 6,6% năm 2011 lên 23,5% năm 2017. Ngoài ra, xuất khẩu gạo nếp cũng có mức tăng trưởng tương đương trong cùng kỳ so sánh.
Theo VFA, đây là xu hướng tích cực do Việt Nam đang dần giảm tỷ trọng gạo chất lượng thấp trong xuất khẩu và có năng lực chuyển sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, cải thiện hiệu quả sản xuất gạo và kinh doanh xuất khẩu. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 5,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,6 tỷ USD. Năm 2018, Bộ NNPTNT dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo.
Còn tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá giảm xuống khoảng 430 – 432 USD/tấn, FOB Bangkok từ mức 432 – 435 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá tại Thái Lan giảm bởi tuần này có nhu cầu mới từ Trung Quốc và Indonesia, nhưng đồng baht yếu đi (giảm khoảng 0,3% trong tuần này) khiến giá tính theo USD giảm.
Cơ quan nông nghiệp của Thái Lan dự báo sản lượng vụ chính niên vụ 2018/19 sẽ tăng hơn 7% lên 25,81 triệu tấn, so với 24,07 triệu tấn cùng vụ năm ngoái. Vụ phụ của niên vụ 2017/18 (tháng 2 – tháng 4) ước tính đạt 8,16 triệu tấn, cũng nhiều hơn 180.000 tấn so với dự báo hồi tháng 12 nhờ đủ mưa.
Một số thông tin liên quan
Philippines muốn 250.000 tấn gạo nhập khẩu cập cảng vào tháng 5
Philippines vừa thông báo 250.000 tấn gạo nhập khẩu theo kế hoạch sẽ được cập cảng Philippines vào tháng 5 tới, sớm hơn 1 tháng so với thông báo trước đây, nhằm đảm bảo đủ lượng tồn kho của chính phủ trước giai đoạn giáp hạt.
Thường xuyên phải nhập khẩu gạo, giá gạo tại Philippines đã tăng 3 – 4% vào cuối tháng 1 và mấy tuần này lại tăng tiếp do dự trữ gạo của chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ. Giá gạo tăng gây áp lực tăng lạm phát, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,9% trong tháng 2/2018, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Nhập khẩu gạo sẽ giúp làm đầy kho dự trữ gạo của Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA), cơ quan chịu trách nhiệm thu mua ngũ cốc và cung ứng gạo với giá trợ cấp cho thị trường nội địa. Nguồn cung gạo nhập khẩu sẽ giúp ổn định giá gạo nội địa trước và trong giai đoạn nguồn cung thấp điểm bắt đầu từ tháng 7.
Như đã đàm phán trước đây, NFA sẽ tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam, những nhà cung cấp gạo truyền thống cho Philippines.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), dự trữ gạo nước này đã giảm mạnh. Cụ thể, tổng dự trữ trên toàn quốc giảm gần 22% xuống còn 1,795 triệu tấn, so với mức 2,296 triệu tấn hồi tháng 2/2017, chỉ đủ dùng trong vòng 53 ngày (vào tháng 9/2017 dự trữ đã chạm mức 1.422 triệu tấn); trong đó dự trữ của NFA ở mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ, là 61.400 tấn (đủ dùng trong 2 ngày), giảm 86,8% so với mức 465.260 tấn cùng kỳ năm 2017. Dữ liệu từ PSA cho thấy gần 89% dự trữ gạo của NFA là nguồn gạo nhập khẩu. “Trong cùng kỳ so sánh, dự trữ gạo trong các hộ gia đình, nhà kho thương mại và các nhà kho ký gửi của NFA giảm lần lượt 5%, 5,74% và 86,8%”, báo cáo tháng của NFA cho thấy. “So với hồi đầu tháng 1, dự trữ gạo giảm lần lượt 17,93%, 24,58% và 42,54% trong kho hộ gia đình, kho thương mại và kho NFA”. Trong tổng dự trữ gạo tính đến ngày 1/2, khoảng 60,58% là dự trữ gạo gia đình, 36% là dự trữ thương mại và 3,43% là dự trữ gạo NFA. Tổng dự trữ gạo hộ gia đình tính đến 1/2 là 1,087 triệu tấn, trong khi dự trữ gạo thương mại là 646.560 tấn.
Indonesia mở thầu mua khoảng 50.000 tấn gạo
Nguồn Reuters dẫn tin từ các thương gia châu Âu cho biết, Cơ quan thu mua lương thực quốc gia Indonesia, Bulog, đã mua khoảng 50.000 tấn gạo Pakistan qua một cuộc đấu thầu quốc tế, hàng sẽ giao muộn nhất là 31/5.
Bulog cho biết họ vẫn đang tiếp tục kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối tháng 6 để cải thiện nguồn cung và hạ nhiệt giá trong nước.
Mới đây, Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia Darmin Nasution đã kêu gọi Bulog phân phối gạo nhập khẩu để ổn định thị trường trong nước, bởi theo ông Darmin mở kho gạo nhập khẩu lúc này là hợp lý nhất vì giá gạo trên thị trường nội địa đang cao trong khi tháng 4 tới là lúc thu hoạch rộ lúa. “Tôi yêu cầu ban lãnh đạo và nhóm vận động thực phẩm thảo luận với Bulog và không để gạo nhập khẩu tồn trong kho”.
Tháng 1/2018, chính phủ Indonesia đã quyết định nhập khẩu 500.000 tấn gạo do giá nội địa tăng mạnh. Lượng gạo nhập khẩu này nhằm ổn định giá và cung cấp lượng dự trữ gạo đủ cho Bulog. Tuy nhiên, giám đốc Bulog Andrianto Wahyu Adi cho biết Bulog chỉ có thể nhập khẩu 346.000 tấn gạo, tương đương 69,2% kế hoạch do hạn chế về thời gian. “Giá gạo vẫn chưa giảm nên chúng ta cần làm mọi thứ có thể kéo giá giảm trước tháng ăn chay (tháng 5) sắp tới gần”, ông Darmin cho biết.
Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 82,5 triệu tấn lúa trong năm 2018, tăng so với khoảng 81,04 triệu tấn năm 2017, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp nước này.
Xuất khẩu gạo basmati Ấn Độ dự báo tăng mạnh trong tài khoá 2018
Trị giá xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ dự báo sẽ tăng mạnh trong các tài khoá 2018 và 2019 nhờ nhu cầu cải thiện trên thị trường quốc tế, nhất là từ Iran, và giá lúa basmati tăng trong mấy vụ vừa qua.
Theo tổ chức ICRA của Ấn Độ, giá trị xuất khẩu gạo basmati trong 9 tháng đầu tài khóa 2018 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trái với xu hướng giảm ở các tài khoá 2015 và 2017, với giá giao dịch trung bình tăng 23% lên 64,594 Rupee/tấn trong 9 tháng đầu tài khoá 2018, so với 53.985 Rupee cùng kỳ tài khoá trước; dự kiến xuất khẩu trong cả tài khoá 2018 sẽ tăng 20% lên 260 tỷ Rupee.
Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu vẫn trì trệ như các năm trước, vào khoảng 4 triệu tấn. Trước đây, Saudi Arabia và Iran là các thị trường nhập khẩu gạo basmati lớn nhất Ấn Độ, chiếm 40 – 45%; tuy nhiên, thị phần của Saudi Arabia giảm trong những năm gần đây xuống chỉ còn 14% trong tài khóa 2018. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu tăng lúc này là nhờ nhu cầu của Iran, hiện đã chiếm thị phần 28%. Iran đã ban lệnh cấm nhập khẩu tạm thời vào khoảng tháng 8/2017 và đã dỡ bỏ lệnh này trong tháng 1/2018. Các diễn biến chính sách này của Iran là một phần nguyên nhân bất ổn trong xuất khẩu gạo Ấn Độ.
Năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp Ấn Độ tăng giá thu mua lúa, với mức tăng tới 20 – 25% do diện tích trồng giảm 10 – 15% ở vụ trước đó bởi khô hạn. Trong khi đó, nhu cầu gạo basmati cải thiện trên thị trường quốc tế có thể tiếp tục đẩy giá lúa basmati tăng trong năm tài khóa 2018-19.
Sản lượng, nhập khẩu và tiêu thụ gạo của Bangladesh
Mali nỗ lực tăng 8% sản lượng gạo năm 2018/19
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mali cho biết, nước này đặt mục tiêu sản xuất 3,14 triệu tấn gạo trong năm 2018/19, tăng 8% so với 2,92 triệu tấn của niên vụ trước.
Để đạt được mục tiêu, Mali sẽ đầu tư để tăng năng suất bằng các phương pháp sử dụng phân bón và hạt giống tốt hơn chứ không mở rộng diện tích trồng lúa.
Mùa lúa ở Mali kéo dài từ tháng 4 đến tháng 3, chia làm 2 giai đoạn: sản xuất từ tháng 5-6 đến tháng 9-10 và marketing từ tháng 10-11 đến cuối tháng 3. 

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet