Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm giảm 5 USD so với cách đây một tuần, xuống 371- 375 USD/tấn, mức thấp nhất trong 17 tháng. Từ đầu năm tới nay, đồng rupee Ấn Độ đã giảm 13% và đạt mức thấp kỷ lục vào ngày 12/09/2018.
Cơ quan thu mua gạo quốc gia Iran thông báo đã mở một phiên đấu thầu quốc tế để mua 30.000 tấn gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Thời hạn đấu thầu sẽ kết thúc vào ngày 9/10/2018.
Theo đó, hai lô hàng 15.000 tấn gạo sella loại 1121 sẽ được vận chuyển bằng container trong giai đoạn 15/10/2018 - 15/11/2018.
Bangladesh, nước năm ngoái đã nhập khẩu rất nhiều gạo Ấn Độ, đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay để tăng lượng dự trữ quốc gia.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu tăng lên 400- 405 USD/tấn từ mức 397- 403 USD/tấn của tuần trước do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu gia tăng. "Philippines đã thông báo kế hoạch mua thêm 133.000 tấn, trong khi nguồn cung đang cạn dần", Reuters dẫn lời một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9/2018, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề xuất khu vực đồng bằng sông Mekong thành lập Hội các nước xuất khẩu gạo.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá tương đối vững ở mức 390- 393 USD/tấn, (FOB) Bangkok, so với mức 385- 393 USD cách đây một tuần, do giao dịch vẫn chậm. Theo số liệu mới nhất của Bộ thương mại nước này, cho tới giữa tháng 9/2018, Thái Lan đã xuất khẩu 7,65 triệu tấn gạo. Nhu cầu từ Philippines và Indonesia dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới do thiên tai gần đây ở hai nước này.
Reuters dẫn lời một thương gia Thái Lan cho biết, nhu cầu từ Philippines và Indonesia dự báo sẽ tăng trong những tuần tới do thiên tai ở 2 nước này. “Giá duy trì ở mức hiện tại và dự báo sẽ không giảm. Thậm chí dự báo giá sẽ tăng lên vì nhu cầu từ Philippines và Indonesia”.
Tại Philippines, giá gạo bán lẻ trong tháng 8/2018 cao kỷ lục mới khi thị trường nhận thấy Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) không thể điều tiết giá bán lẻ của mặt hàng chủ lực này. Thống kê của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho thấy, giá gạo xát kỹ và xát thường bán lẻ trung bình trong tuần thứ 4 của tháng 8/2018 tăng lần lượt 11,30% và 15,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dựa trên dữ liệu tổng hợp từ PSA của BusinessMirror, đây là lần đầu tiên giá gạo bán lẻ trung bình vượt qua mức giá 47 peso/kg. Mức giá bán lẻ trung bình 43,86 peso/kg đối với gạo xát thường cũng là mức cao chưa từng thấy của quốc gia này, theo dữ liệu của PSA.
Trên thị trường bán buôn, giá gạo xát kỹ trung bình ở mức 44,49 peso/kg, tăng hơn 13,21% so với mức 39,3 peso/kg được ghi nhận một năm trước. Con số này cũng tăng 2,21% so với giá bán buôn trung bình của tuần trước là 43,81 peso/kg. Đây là lần đầu tiên giá gạo xát kỹ bán buôn đạt mức 44 peso/kg.
Tại Nigeria, giá gạo dự báo có thể tăng trong vài tuần tới và duy trì cho tới tháng 12 hoặc lâu hơn nữa nếu các biện pháp khẩn cấp không được triển khai để giải quyết những thử thách này. Các chuyên gia cảnh báo Nigeria se cần chuẩn bị cho một đợt thử thách khác khi giá gạo tăng mạnh. Gạo được coi là thực phẩm chủ yếu của các hộ gia định tại quốc gia này. Hiện, giá gạo đồ tăng từ mức 12.000 – 12.500 naira lên khoảng 13.000 – 14.500 naira/bao 50 kg, tùy từng khu vực, trong hai tuần qua.
Giá gạo tăng tại Nigeria không chỉ dẫn đến tình trạng khủng hoảng mua hàng và tích trữ, mà còn gia tăng áp lực lên người dân Nigeria vốn đang phải chịu cảnh giá hàng hóa vượt khả năng chi trả của họ.
Một số thông tin liên quan
Indonesia dự kiến đạt 83 triệu tấn gạo năm 2018
Theo đưa tin của Reuters, Indonesia dự báo sản lượng gạo sản xuất năm nay khoảng 83 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với năm ngoái, một quan chức Bộ Nông nghiệp nước này cho hay. Sumarjo Gatot Irianto, Tổng giám đốc lương thực tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Indonesia cho biết, việc tăng sản lượng là do thâm canh diện tích trồng. Irianto còn cho hay, nước này đang nhắm tới mục tiêu sản xuất 84 triệu tấn gạo vào năm 2019.
Nguồn cung dự kiến tăng hơn 8%, Mỹ vẫn nhập khẩu thêm gạo
Nguồn cung gạo của Mỹ được dự báo sẽ tăng hơn 8% trong năm 2018 – 2019, chủ yếu là do diện tích gieo trồng và năng suất trung bình tại Arkansas (Mỹ) gia tăng, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Vậy nhưng Mỹ vẫn nhập khẩu thêm gạo. 
“Chúng ta đang nhìn thấy sự khác biệt trong hai năm gần đây. Hoạt động nhập khẩu mạnh mẽ chắc chắn đã được ghi nhận. Không phải là gạo tấm. Mỹ thực sự nhập khẩu gạo tấm, nhưng thực tế loại gạo có khối lượng nhập khẩu tăng là gạo trắng”, Tiến sĩ Nathan Childs, chuyên gia kinh tế cấp cao về gạo tại Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế của USD cho biết. 
Lượng lớn gạo nhập khẩu của Mỹ thường đến từ châu Á, với nguồn cung từ Thái Lan chiếm khoảng 60%, Ấn Đồ và Pakistan ít nhất là 20%. Nhập khẩu được dự báo sẽ đạt khoảng 28 triệu tạ năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn 2018 – 2019.
Thái Lan hoàn thành bán gần 17 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia
Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, đã hoàn thành việc bán 16,91 triệu tấn gạo tồn kho quốc gia, tích lại từ kế hoạch thu mua gạo từ người nông dân của chính phủ.
Ông Adul Chotinisakorn, tổng giám đốc của Cục Ngoại thương Thái Lan, cho biết sau 4 năm không sử dụng kho gạo khổng lồ, cơ quan này đã bán toàn bộ lượng dự trữ với tổng cộng 146,17 tỷ baht. Trong đó, 12,2 triệu tấn gạo dùng cho tiêu thụ của con người trong khi số còn lại thuộc loại không ăn được hoặc chất lượng thấp.
Philippines mất gần 900.000 tấn gạo/năm trong quá trình vận chuyển
Theo Viện nghiên cứu lúa gạo Philippines (PhilRice), quốc gia này mất gần 900.000 tấn gạo mỗi năm trong quá trình vận chuyển từ nông trại tới thị trường. Trong một buổi điều trần ngân sách Thượng viện, Giám đốc điều hành PhilRice Flordeliza H. Bordey cho biết hôm 11/9 rằng, sự mất mát là do việc quản lý và bảo quản không tốt.
Hoạt động thu mua gạo của Ấn Độ vượt chỉ tiêu năm 2017- 2018
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Ấn Độ hôm thứ Sáu (7/9) cho biết, tính tới thời điểm này trong năm tài chính 2017 - 2018, sẽ kết thúc trong tháng này, việc mua gạo của quốc gia này đã đạt 38 triệu tấn, vượt chỉ tiêu đặt ra trước đó. Chỉ tiêu thu mua gạo trong năm nay là 37,5 triệu tấn.
Chính phủ Ấn Độ đã mua 34,35 triệu tấn trong năm ngoái (giai đoạn tháng 10/2016 - tháng 9/2017), vượt chỉ tiêu 33 triệu tấn được đặt ra trong năm đó.

Nguồn: Vinanet