Dự báo nhu cầu mạnh từ những nước nhập khẩu lớn như Bangladesh và Philippines đang kéo giá gạo Việt Nam và Thái Lan tăng lên.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá hiện ở mức 360 – 380 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, so với 365 – 370 USD/tấn một tuần trước, cao nhất kể từ tháng 4/2016 do các nhà cung cấp kỳ vọng vào các hợp đồng xuất khẩu.
Bangladesh ngày 23/5 thông báo sẽ mua ngay 250.000 – 300.000 tấn gạo Việt Nam và có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo Việt Nam lên 500.000 tấn vào cuối năm 2017. Thị trường này cũng sẽ mua 1 triệu tấn gạo Việt Nam mỗi năm cho tới 2022.
Philippines ngày 22/5 cho biết tháng tới sẽ đấu thầu mua 250.000 tấn gạo từ các nhà cung cấp chính là Thái Lan và Việt Nam, và có thể cả Ấn Độ.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giá tăng lên 411-412 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 385-411 USD/tấn một tuần trước, mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
“Giá đã tăng mạnh, và nguồn cung khan hiếm dần trong khi nhu cầu vẫn không thay đổi”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Nhưng các nhà xuất khẩu ở Thái Lan và Việt Nam cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng bắt đầu làm cho giá lúa gạo trong nước tăng đến mức quá đắt để họ mua vào, dẫn tới khả năng thiếu cung trên thị trường.
“Sau thông tin về Bangladesh, tôi không thể mua thêm gì nữa”, một thương gia ở TP HCM cho biết.
“Thị trường đã trở nên căng thẳng, mặc dù trên thực tế chưa có hợp đồng nào được ký”, Reuters dẫn lời một thương gia khác cho biết khi nói về các hợp đồng từ Bangladesh.
Thái Lan và Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và 3 thế giới.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo 5% tấm đồ giá tăng 7 USD/tấn lên 398 – 403 USD/tấn, do nhu cầu cải thiện chút ít và giá lúa trong nước tiếp tục tăng.
“Giá xuất khẩu đang tăng, theo xu hướng tăng ở những nước khác. Nhu cầu cũng cải thiện từ khách hàng châu Phi”, Reuters dẫn lời ông M.Adishankar, giám đốc điều hành tại Sri Lalitha của một công ty xuất khẩu trụ sở ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ cho biết.
Trong 2 tháng qua, giá gạo tại Ấn Độ tăng mạnh vì Chính phủ nước này tích cực mua lúa gạo vào và đồng rupee tăng giá so với USD làm cho giá lúa trong nước tăng lên, buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá bán.
Các thương gia ở Dhaka và quan chức Chính phủ Ấn Độ dự báo giá gạo thế giới chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa do nhu cầu từ Bangladesh – nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới với khoảng 34 triệu tấn.
Đầu tháng này, cơ quan lương thực quốc gia Bangladesh thông báo sẽ nhập khẩu 600.000 tấn gạo. Bangladesh có thể sẽ nổi lên với vai trò nước nhập khẩu gạo lớn trong năm nay do gạo dự trữ giảm và giá tăng buộc Chính phủ phải tăng nhập khẩu.
Bangladesh đã chấp thuận giá bỏ thầu thấp nhất 427,85 USD/tấn (CIF) của công ty Sukhbir Agro Energy (ở Dubai) trong phiên đấu thầu nhập 50.000 tấn gạo đồ. Ngày 21/5 Bangladesh đã mở phiên đấu thầu đầu tiên kể từ 2011 nhưng đang xem xét và chưa quyết định chấp thuận. Theo các thương gia châu Âu, các mức giá bỏ thầu khác là: Olam 439,21 USD/tấn, Amir Chand 454 , Agro 473,09 USD/tấn và Bogadiya 484,93 USD/tấn (CIF).
Một thương gia cho biết “Chưa biết nước nào chào giá thấp nhất, nhưng chắc chắn không phải là Ấn Độ hoặc Thái Lan và những nước khác cũng khó có thể cung cấp lượng gạo đồ lớn như vậy”.
Ngày 28/5 Bangladesh sẽ mở thầu mua thêm 50.000 tấn gạo trắng nữa.
Một số thông tin liên quan
Thái Lan bán 500.000 tấn gạo dự trữ chất lượng kém
Bộ Thương mại Thái Lan ngày 24/5 cho biết nước này đã bán 500.000 tấn gạo chất lượng kém trị giá 44 triệu USD để sử dụng cho mục đích công nghiệp. Khối lượng này chiếm một nửa tổng số gạo chào bán trong phiên đấu giá tháng qua. Ngày 24/5 vừa qua Thái Lan cũng mở thêm một phiên bán đấu giá với lượng chào bán 1,82 triệu tấn.
Ấn Độ tăng diện tích lúa Basmati
Diện tích gieo trồng lúa Basmati của Ấn Độ có xu hướng tăng 25% trong năm 2017-2018, do điều kiện khí hậu thuận lợi và dự báo mùa mưa sẽ diễn ra bình thường. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo Ấn Độ sẽ nhận được lượng mưa bình thường trong mùa mưa năm 2017 và ở mức 96% lượng mưa trung bình (PLA) với sai số 5%.
Philippines gia hạn hạn chế nhập khẩu thêm 3 năm
Philippines đã quyết định sẽ giữ những quy chế hạn chế khối lượng nhập khẩu gạo thêm 3 năm nữa. Như vậy, khối lượng gạo tối đa mà các công ty tư nhân được mua hàng năm sẽ vẫn là 805.200 tấn cho tới 2020, với mức thuế vẫn duy trì ở 35%.
Bangladesh sẽ tăng nhập khẩu gạo do lũ lụt
Bangladesh sẽ xúc tiến kế hoạch nhập khẩu gạo để tăng lượng dự trữ và kiểm soát giá trong nước sau khi lũ lụt ảnh hưởng tới sản lượng gạo quốc gia.
Giá gạo tại Bangladesh đã lên mức cao kỷ lục, còn dự trữ xuống mức thấp nhất 6 năm sau khi lũ lụt tháng 4 gây tổn thất khoảng 700.000 tấn sản lượng.
Indonesia: Lũ lụt ảnh hưởng 310 ha lúa ở Langkat, Bắc Sumatra
Benin: Người trồng lúa vận động tiêu thụ gạo trong nước.
Người trồng lúa ở Benin đã thúc giục Chính phủ hành động để xúc tiến tiêu thụ gạo nội địa trên thị trường trong nước.
Trong một tuyên bố tại Cotonou, họ kêu gọi Chính phủ thúc đẩy tiêu thụ gạo "Made in Benin" tại các trường học và căng tin cũng như các trung tâm tiếp thị, phúc lợi xã hội…
Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet