Cụ thể, theo công văn của liên bộ Công Thương-Tài chính gửi các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng Ron 92 sẽ tăng 243 đồng/lít; xăng sinh học E5 tăng 239 đồng/lít; dầu diesel 0,05S tăng 277 đồng/lít, trong khi dầu hỏa tăng 192 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 290 đồng/kg.

Cũng tại công văn này, liên bộ yêu cầu giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít, đồng thời việc chi sử dụng Quỹ bình ổn cũng không đổi so với thời điểm ngày 5/5.

Trong đó, mức chi đối với xăng khoáng là 639 đồng/lít, xăng E5 là 672 đồng/lít, dầu diesel có mức là 846 đồng/lít còn dầu hỏa cũng có mức chi là 1.029 đồng/lít, dầu mazút là 323 đồng/kg.

Sau khi áp dụng Quỹ bình ổn, xăng Ron 92 sẽ có mức giá trần là 15.829 đồng/lít; xăng E5 cao nhất là 15.315 đồng/lít; dầu diesel 0,05S có mức giá trần là 11.300 đồng/lít; dầu hỏa cao nhất là 9.647 đồng/lít trong khi mức giá trần đối với dầu mazút 3,5S là 8.150 đồng/kg.

Trên thế giới, thị trường năng lượng qua một tuần đầy khởi sắc. Khép lại phiên giao dịch ngày 20/5, thị trường năng lượng đi xuống sau khi vụ cháy rừng nghiêm trọng tại khu vực sản xuất dầu cát của Canada đã được kiểm soát.

Tuy nhiên thị trường nhìn chung vẫn khá lạc quan về khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ sớm được cải thiện.

Mặc dù đi xuống trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) vẫn tăng 3,3%, trong khi dầu Brent tăng khoảng 2%.

Tâm lý lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Canada, Nigeria và Venezuela đã hỗ trợ đà tăng giá của dầu thô trong tuần này, với giá dầu WTI giao tháng Sáu tăng lên 48,31 USD mỗi thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2015 lúc đóng cửa phiên 17/5.

Tại thị trường New York phiên 20/5, giá dầu WTI giao tháng 6/2016 giảm 41 xu Mỹ xuống 47,75 USD mỗi thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2016 cũng hạ 9 xu Mỹ và đóng cửa ở mức 48,72 USD mỗi thùng.

Gây áp lực lên giá dầu trong phiên cuối tuần là thông tin cho hay Libya đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tại cảng Marsa al-Hariga ở miền Đông nước này sau hơn hai tuần gián đoạn do bất ổn chính trị.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Baker Hughes, số lượng các giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần trước không thay đổi ở mức 318 giàn, sau khi ghi nhận tám tuần giảm liên tiếp trước đó.

Tại thành phố Fort McMurray, trung tâm sản xuất dầu cát tại tỉnh bang Alberta của Canada, các quan chức cho biết các đám cháy đã được kiểm soát song khói bụi dày đặc tại khu vực sẽ tiếp tục ngăn cản hoạt động sản xuất.

Nhà phân tích Jason Gammel của ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính vụ cháy rừng khiến sản lượng dầu cát của Canada giảm 1,4 triệu thùng mỗi ngày, và tình hình bất ổn ở Nigeria "lấy đi" gần 500.000 thùng mỗi ngày.

Theo giới quan sát, sức tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ bắt đầu tăng nhanh ở Mỹ, khi dự trữ xăng và các chế phẩm lọc dầu đều giảm mạnh trong tuần trước.

Nguồn: VITIC/Vietnamplus.vn

 

Nguồn: Vinanet