Sáng mùng 6 Tết (tức ngày 21/2), tại nhiều siêu thị cũng như các chợ truyền thống tại Hà Nội cho thấy thực phẩm, rau củ không có hiện tượng tăng giá như những năm trước.
Tại các siêu thị như BigC Thăng Long các loại thực phẩm thiết yếu được cung ứng khá nhiều, thậm chí dồi dào hơn cả dịp trước Tết. Đặc biệt, tại các quầy rau củ lượng rau củ luôn được chất đầy các gian hàng. Nhiều người cũng đã có mặt tại siêu thị này để mua sắm. Riêng các gian hàng thịt cá, thịt gà nguồn cung cũng khá nhiều từ cá biển đến cá nước ngọt.
Trong khi đó, tại siêu thị Metro Hà Đông nguồn cung thực phẩm, rau củ, trái cây cũng dồi dào phục vụ người tiêu dùng. Lượng cung các loại thực phẩm, rau củ dồi dào đồng nghĩa với giá bán ra phục vụ người tiêu dùng cũng ổn định, không có hiện tượng tăng giá. Riêng đối với một số loại rau củ thậm chí còn rẻ hơn dịp trước Tết.
Không chỉ tại các siêu thị mà nhiều khu chợ truyền thống như: Chợ Trung Kính, Cầu Giấy, Nam Trung Yên, Nhổn… nguồn cung thực phẩm cũng khá nhiều.
Đối với các loại rau giá ổn định, đơn cử như: Rau bắp cải giá 12-15.000 đồng/chiếc; su hào giá 10.000 đông/3 củ; mồng tơi 3-5.000 đồng/mớ; rau cải thảo giá 10.000 đồng/kg. Riêng đối với các loại thịt giá vẫn giữ như cũ như: Thịt lợn ba chỉ giá 80.000 đồng/kg; thịt nạc vai giá 80.000 đồng/kg; thịt bắp bò giá 260.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng cá có tăng nhẹ so với dịp trước Tết như: Cá chép giá 65.000 đồng/kg, cá trắm cỏ giá 70.000 đồng/kg; trắm đen giá 100.000 đồng/kg…
Một tiểu thương tại chợ Nam Trung Yên cho biết nguyên nhân giá rau củ rẻ do năm nay thời tiết thuận lợi nên các vùng trồng rau nhiều tại Đông Anh, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ… dồi dào nên nguồn cung lớn, không có hiện tượng khan hàng như mọi năm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng mùng 6 Tết tại một số chợ lẻ, hoạt động buôn bán vẫn chưa sôi động. Người tiêu dùng mua sắm chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, hoa, trái cây. Hiện nay, tùy một số mặt hàng rau củ mà giá có biến động. Chẳng hạn, so với trước Tết, khổ qua, cà chua, dưa leo, bông cải trắng… có giảm giá gần gấp đôi nhưng vẫn còn ở mức cao 20.000-40.000 đồng/kg, do đầu năm nên hàng hóa cũng không phong phú vì các mối vẫn còn “ăn Tết”.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, thị trường Tết 2018 tại TP.HCM tương đối ổn định, chương trình Bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Sức mua thị trường Tết năm nay tăng 10%-15% so với Tết 2017, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tăng 20%-30%.
Sau Tết, người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn Tết” bằng “vui Tết”, “chơi Tết” nên lượng khách mua sắm thời điểm này không đông, sức mua chậm. Tuy nhiên, các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh và chưng cúng vẫn tăng mạnh, đặc biệt là rau xanh, thịt gia cầm.
Năm nay, đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ bắt đầu khai trương, đi vào hoạt động vào mùng 6, mùng 8 Tết. Dự kiến thời gian tới, khi hoạt động sản xuất trên địa bàn TP trở lại bình thường, sức mua của thị trường sẽ tăng mạnh trở lại. Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các phương án giảm giá, khuyến mãi kích cầu, tổ chức phân phối, bán hàng lưu động… đảm bảo không để thị trường thiếu hàng, biến động giá.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet