Đây cũng là nội dung của Hội thảo tập huấn “Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) và Hiệp định liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) cho các DN ngành da giày" do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU - MUTRAP) phối hợp với Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) thực hiện, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh sáng 27/4.

Tại hội thảo, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2017 đạt 18 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng thị trường EU, trước đây lượng xuất khẩu da giày vào thị trường này chiếm 60%, sau đó giảm dần khi thị trường Hoa Kỳ mở rộng. Tuy nhiên, theo đại diện Lefaso, năm 2017 mở ra nhiều cơ hội cho da giày tìm kiếm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như Nga, Kazakhstan, Belarus…
Theo như các cam kết mở cửa thị trường khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, EU cam kết xóa bỏ hầu hết hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm của Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng với hoạt động thương mại hàng hóa nói chung và ngành công nghiệp da giày nói riêng. Đối với mặt hàng da giày, EVFTA sẽ giảm thuế nhập khẩu từ mức 12,4% về 0% theo lộ trình 7 năm và xóa bỏ ngay đối với mặt hàng túi xách, vali, mũ dù. Với việc hưởng mức thuế suất thấp, giá cả sản phẩm sau khi nhập khẩu sẽ giảm đáng kể, tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa có FTA riêng với EU hay thuộc diện được hưởng GSP mới của EU. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về số lượng sản xuất da giày sau Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn của Việt Nam.
Theo Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mặc dù thị trường xuất khẩu đang mở ra nhiều cơ hội cho DN ngành da giày Việt Nam, song muốn tăng kim ngạch xuất khẩu và đảm bảo bền vững các DN phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Trong quá trình thực hiện xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu DN cũng phải lưu ý đến các báng kê nguyên liệu, mô tả quy trình sản xuất hoặc giấy chứng nhận thành phẩm của nhà sản xuất, catalogue hay hình ảnh hàng hóa... Trong trường hợp vi phạm xuất xứ, khai báo không đúng xuất xứ, hoặc bất ngờ tăng vọt lượng xuất khẩu chắc chắn phía đối tác sẽ ngưng nhập hàng và tạm dừng ưu đãi...
Bên cạnh đó, Bà Hiền cũng lưu ý các DN một số lỗi liên quan đến chứng nhận xuất xứ cần tránh như C/O trùng số, ngôn ngữ khai báo (phải khai báo bằng tiếng Anh chứ không dùng tiếng Việt không gõ dấu để thay thế tiếng Anh), mẫu chữ ký và con dấu, tiêu chí xuất xứ, năng lực sản xuất bán thành phẩm... Nói chung các DN phải hết sức cẩn thận khi khai báo C/O để tránh những sai sót không đáng có làm ảnh hưởng đến tiến độ thời gian xuất khẩu hàng hóa khi nhà nhập khẩu có những nghi ngờ và sẽ ách ngay lại việc nhập khẩu...
Ngoài ra, theo đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định EVFTA và VN- EAEU FTA gồm hàng hóa thuộc biểu thuế ưu đãi đặc biệt, nhập khẩu từ nước thành viên, vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu và đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ.
 Nguồn:Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử