Chưa có yếu tố xán lạn
Năm 2016 là năm khó khăn vô cùng đối với ngành dệt may khi chỉ tăng trưởng XK một con số, tăng 5,2%, trong khi những năm trước đều tăng trưởng 2 con số. Nếu so sánh về giá trị tuyệt đối thì số lượng không giảm nhiều, những năm trước tăng 2 tỷ USD/năm thì năm nay tăng 1,5 tỷ USD nhưng so với quy mô ngành sau 6-7 năm, việc tăng trưởng 5,2% thực sự là thách thức đối với các DN trong ngành.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đầu năm 2016, ngành dệt may được dự báo tăng trưởng 2 con số, đạt 30 tỷ USD, nhưng thực tế chỉ đạt 28,3 tỷ USD. Khác với những năm trước, khó khăn của ngành dệt may không đến từ việc kinh tế suy giảm mà đến từ các yếu tố bất định về chính trị nên khó dự báo như: Anh rời EU, ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ... “Đây là điểm mới hoàn toàn cho dệt may Việt Nam. Trong 10 năm điều hành, tôi cho rằng, 2016 là năm có những biến động ngoài kinh tế nhưng ảnh hưởng trực tiếp, nhanh nhất đến kinh tế”, ông Trường khẳng định.
Dù mức tăng trưởng thấp, không phù hợp với năng lực, quy mô của ngành dệt may nhưng ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, dệt may Việt Nam vẫn giữ vững được tăng trưởng ở các thị trường trên thế giới, đặc biệt là có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước XK dệt may trên thế giới. Bổ sung thêm thông tin, ông Trường cho hay, thị phần của Việt Nam tại những thị trường lớn vẫn tiếp tục được cải thiện như thị phần tại Mỹ tăng lên 11%, thị phần tại Nhật Bản cũng tăng tốt, Việt Nam trở thành trọng điểm của cạnh tranh dệt may thế giới.
Bước sang năm 2017, ngành dệt may vẫn tiếp tục được dự báo gặp nhiều khó khăn, chưa có những yếu tố xán lạn mới mặc dù các dự báo đều cho rằng xu thế kinh tế có tốt lên. Còn ở trong nước, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nên vẫn phải áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt, do vậy theo ông Lê Tiến Trường, sẽ không thể có biến động thật lớn để hỗ trợ XK cho Việt Nam trong khi các quốc gia khác làm rất nhiều. Tình hình cạnh tranh XK ngày càng gay gắt, các quốc gia cạnh tranh XK sẽ tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. “Ví dụ, 6 tháng cuối năm 2016 gần như hàng hóa các nước rẻ hơn khá nhiều so với Việt Nam. Đây tiếp tục là áp lực trong năm 2017”, ông Trường nêu dẫn chứng.
Với việc dự báo còn khó khăn nên năm 2017 ngành dệt may không phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 10-12% như mọi năm mà chỉ dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2017, tương đương trên 30 tỷ USD.
Cuộc chơi lớn nhất là EU
Bên cạnh một loạt “u ám”, ông Lê Tiến Trường vẫn chỉ ra tín hiệu sáng sủa cho năm 2017 là việc hoàn tất về mặt pháp lý của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU để hướng đến năm 2018 có hiệu lực. Điều này có nghĩa là 6 tháng cuối năm 2017 có thể có nhiều hoạt động cho sự chuẩn bị của thị trường EU. “Chúng tôi hy vọng đặt tham vọng cho tăng trưởng tại EU để bù đắp cho mục tiêu năm 2017”, ông Trường nói.
Trên thực tế, tiềm năng thị trường EU rất lớn nhưng cạnh tranh ở EU khác với Mỹ. Ở EU có tổng quy mô dân số lớn nhưng vẫn là những quốc gia riêng, văn hóa riêng, bản sắc riêng mỗi quốc gia dân số lại nhỏ từ 10-12 triệu người. Vì thế khi tiếp cận thị trường EU là DN phải tiếp cận từng nước khác nhau Anh khác, Đức khác, Pháp khác… Do đó, việc tiếp cận với khu vực châu Âu khó hơn nhiều so với việc tiếp cận với thị trường Mỹ.
Với EU do tính chất thị trường nhỏ, tính thời trang cao, thời gian quay vòng sản phẩm ngắn đòi hỏi thời gian giao hàng phải cực ngắn. Chính vì thế, ở EU vẫn đang nhập sản phẩm dệt may một nửa ở nội khối như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… để chuyển vào cực nhanh như các tỉnh với nhau trong 1 nước. Trong khi đó, xét trên phương diện NK ngoại khối, Việt Nam mới chỉ có 3% thị phần. Lãnh đạo Vinatex nhận định, cạnh tranh ở EU không dễ dàng như thị trường Mỹ song với xuất phát điểm như vậy thì rõ ràng Việt Nam có cơ hội, còn Mỹ khi đã đạt được thị phần 11-12% rồi thì tăng trưởng khó hơn. “Với bệ đỡ của FTA- số dòng thuế đưa về 0% và giảm dần, có hiệu lực từ 2018 thì những đơn hàng nửa cuối năm 2017 cũng có hy vọng nhất định về sự tăng trưởng thị trường này”, ông Trường chia sẻ.
Với những cơ hội từ hiệp định nói trên, EU được coi là “cuộc chơi” lớn nhất của ngành dệt may trong năm 2017. Vì vậy, ngành này đặt trọng tâm là làm sao đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng vào thị trường EU. Bởi lẽ, theo tính toán của ông Trường, nếu EU chỉ tăng 5-6% của 4 tỷ USD trong năm 2016 thì sẽ tăng thêm 200 triệu USD, nhưng nếu tăng đến 10-12% thì sẽ đóng góp vào tăng trưởng XK toàn ngành thêm 500 triệu USD.

Tất nhiên, ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, DN vẫn phải tiếp tục tập trung khai thác hiệu suất cao hơn nữa của trang thiết bị đã đầu tư, tức là giảm đầu tư theo chiều rộng mở thêm nhiều nhà máy ở các nơi bằng cách tuyển thêm lao động nhưng dựa trên tài sản cố định đã có; tiếp tục nâng cao năng suất; tìm thị trường ngách khó theo hướng những mặt hàng có quy mô đơn hàng nhỏ và vừa nhưng khó để tiếp tục xác định lợi thế.

Nguồn: baohaiquan.vn