Quá trình hội nhập thương mại của của Việt Nam diễn ra ngày càng sâu rộng nhưng đi kèm với đó là xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước càng gia tăng. 
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) bên lề Hội thảo Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới - những điều doanh nghiệp cần biết.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương)
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Xin ông cho biết nguyên nhân của hiện trạng này này là gì? 
Thực tế, trên thế giới các biên pháp phòng vệ thương mại đã có từ lâu và đã được tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng nhưng cần có các điều kiện cụ thể. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập sâu vào thương mại quốc tế nên việc tiếp cận và nắm bắt thông tin còn hạn chế. 
Cùng lúc, việc tham gia hội nhập sâu rộng giúp thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước khiến rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ càng tăng cao hơn. Điển hình, trong năm nay Việt Nam liên tiếp bị áp thuế chống bán giá đối với một số mặt hàng như thép, cá tra, tôm... 
Các thị trường có xu hướng thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại lại là những đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Canada, Ấn Độ, EU….Trong số đó, nhiều đối tác kí hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. 
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, bản thân họ cũng phải chịu áp lực cạnh tranh từ hàng hóa các nước nhưng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. 
Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp cần phải làm gì để đối phó với vấn đề này thưa ông? 
Hiện nay thế giới có ba hình thức phòng vệ thương mại đó là áp dụng thuế chống chống bán phá giá, áp dụng thế chống trợ cấp, biện pháp tự vệ.
 Gần đây, các nước sử dụng nhiều biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chiếm tới 70%. Biện pháp tự vệ thường được các nước đang phát triển áp dụng. 
Để đối phó với tình trạng này, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định và khung pháp lí đối với phòng vệ thương mại.
 Trước đó, Quốc hội đã ban hành luật ngoại thương trong đó có một chương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ luật này chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Ngoài ra, Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng đã hướng dẫn cụ thể việc thực thi bộ luật này. Đây là những văn bản quan trọng và doanh nghiệp cần nắm rõ. 
Vậy đâu là giải pháp mà Cục phòng vệ Thương mại đưa ra để giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời gian tới? 
Trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra 4 giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. 
Đầu tiên, Cục phòng vệ Thương mại sẽ tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền nhằm giúp các doanh nghiệp nắm được thông tin về các quy định về phòng vệ thương mại. 
Thứ hai, chúng tôi xây dựng cơ chế cảnh báo sớm để doanh nghiệp nắm được xu hướng và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp, qua đó, doanh nghiệp có chiến lược ứng phó ngay từ trước khi các nước đối tác tiến hành điều tra. 
Thứ ba, ngay cả khi các nước đã tiến hành điều tra rồi thì chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp nắm được quy trình điều tra của đối tác. Trong một số vụ việc, Bộ Công Thương cũng sẽ thay mặt Chính phủ phối hợp với các bộ ngành liên quan trả lời câu hỏi điều tra để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc có kết quả thuận lợi nhất. 
Cuối cùng, với tư cách là cơ quan của chính phủ, chúng tôi giám sát và đảm bảo quá trình điều tra tuân thủ quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do qua đó trao đổi với các đối tác. 
Trên cơ sở đó, nếu chúng tôi phát hiện ra những điểm không phù hợp sẽ trao đổi, tham vấn với nước đối tác. Nếu không giải quyết được, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc đưa các biện pháp mà nước đối tác áp dụng ra cơ chế giải quyết tranh cấp của WTO. 
Xin chân thành cảm ơn ông!