Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), khi Việt Nam vào TPP, các nhóm ngành dự kiến được hưởng lợi là Dệt may, Da giầy, Thủy sản, Gỗ, Phân phối ô tô, Khu công nghiệp, Cảng biển… Các nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn bảo gồm Mía đường, Dược, Nông sản…

Cụ thể, đối với ngành mía đường, việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bõ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Australia – nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới chi phí sản xuất khoảng 20 USD/1 tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/1 tấn.

Trước thông tin trên, ông Lê Văn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống (Thanh Hóa) cho hay: "Doanh nghiệp chúng tôi đang lo lắng làm sao để tìm cách nâng cao năng suất từ đồng ruộng đến nâng cao công suất nhà máy, hạ thành giá chi phí giá thành sản phẩm. Từ đó mới có thể yên tâm hội nhập".

Theo ông Tới, một trong những yếu tố quyết định giá thành là do diện tích theo đầu hộ thấp. Nếu như ở Thái Lan trung bình diện tích 4-5hecta/hộ dân, Việt Nam hộ dân có diện tích cao nhất là 1-2 hecta, vùng đồng bằng chỉ từ 500-1.000m2. Điều này khiến quá trình cơ giới hóa, thâm canh cánh đồng mẫu lớn khó. Trong khi đó, năng suất mía thấp dẫn đến giá thành cao.

Hiện tại, chi phí sản xuất ra một cân đường của Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống là từ 11.000-12.000 đồng, trong khi đó giá thành bán ra là 12.000 - 13.000 đồng. 

Trước những khó khăn và thách thức đặt ra, trao đổi với Vinanet ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay, trong 12 nước thành viên TPP, giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với 11 nước còn lại. Đây chính là yếu tố khiến ngành mía đường nội địa khó cạnh tranh khi hội nhập sâu.

Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu theo hộ gia đình. Doanh nghiệp phải mua mía từ nông dân với giá thành cao.

Giống mía đường cho năng suất, chất lượng mía Việt Nam thấp. Nếu như ở các nước thuộc khu vực ASEAN năng suất đạt 120-140 tấn mía/hecta, thì Việt Nam chỉ đạt được 70 tấn mía/hecta. Trữ lượng đường trong mía Việt Nam cũng thấp, chỉ đạt 9-10% lượng đường trong mía. Trong khi đó của các nước thành viên khác là 12-13%.

Bên cạnh đó, công nghệ chế biến chỉ có một phần ba số doanh nghiệp lớn được trang bị các máy móc tiên tiến, còn lại đa phần các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu.

Nhìn nhận khách quan, ông Long cho rằng bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành mía đường cũng có cơ hội khi vào TPP. Cụ thể, ngành mía đường có thể nhập giống từ các nước như Úc để cải thiện tình hình giống mía trong nước. 

Hiện nay để nâng cao năng suất mía đường, Hiệp hội đang thi hành mua giống mía đường từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan và Úc. Tuy nhiên, dù tận dụng thành tựu giống của các nước này cho năng suất cao hơn song ông Long cũng không đảm bảo được giống mía sẽ thích hợp được với thổ nhưỡng Việt Nam.

“ Hiệp hội thi hành nhập giống mía, tận dụng cái có sẵn của họ mang về Việt Nam nhưng cũng chỉ hên xui, may mắn thì cho chất lượng cao như nước họ”, ông Long khẳng định.

Đồng thời, theo ông Long, tận dụng thuế suất xuất khẩu 0% từ 11 quốc gia có nền công nghiệp phát triển, ngành mía đường Việt Nam có cơ hội nhập khẩu máy móc hiện đại phục vụ cho chế biến.

Nhận định ngành mía đường trong thời gian tới, ông Long cho rằng các doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu tốt, công nghệ không đảm bảo dẫn đến giá thành chắc chắn sẽ cao.

“Khi xóa hàng rào thuế quan thì đường của các nước thành viên có giá thành cạnh tranh hơn, đặc biệt là đường Australia có cơ hội tràn sang thị trường Việt Nam. Dẫn đến ngành đường Việt Nam có nguy cơ bị nhấn chìm, các nhà máy thua lỗ, nông dân cũng điêu đứng không còn chỗ bán mía’, ông Long nói.

Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, Việt Nam và Australia vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác thời hạn 10 năm giữa Viện Nghiên cứu đường Australia SRA) và Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam (SRI). 

Theo đó, các nhà nghiên cứu mỗi quốc gia sẽ cung cấp cho bên đối tác một danh sách 10 loại giống mía đường để trao đổi. Biên bản sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam vì ngành mía đường ở Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Australia.

Tổng giám đốc SRI Việt Nam, ông Nguyễn Đức Quang, cho biết thỏa thuận này sẽ có lợi cho cả hai nước. Nếu cùng nhau hợp tác, hai bên có thể hạn chế những tác hại từ các loại sâu bệnh cho cây mía, cũng như đảm bảo ngành mía đường Australia.

 

Kiều Linh