Tuy nhiên, đây là tác động trong thời gian dài, đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi thần kỳ của EVFTA cho XK hàng hóa nửa cuối năm.
7 tháng đầu năm nay, dù XK vẫn bị "mây đen" Covid-19 bao phủ, tuy nhiên khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch XK ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD, giảm 5,7%. Xu hướng này đã kéo dài khoảng 3 năm trở lại đây, ông nhìn nhận như thế nào về điều đó?
- Một thời gian dài, giữ vị trí XK chủ lực là DN FDI. Xuất siêu là DN FDI, chiếm tỷ trọng XK lớn cũng là DN FDI. Còn DN 100% vốn trong nước khá èo uột, chủ yếu nhập siêu.
Tuy nhiên, 3 năm qua, nhất là 2 năm gần đây tình hình đã được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng của DN 100% vốn trong nước tăng nhiều hơn tốc độ của DN FDI. Bên cạnh đó, tình hình nhập siêu, xuất siêu giữa 2 thành phần này cũng có sự thay đổi. Ngoài ra, việc đảm đương XK mặt hàng chủ lực đã có sự chuyển dịch ban đầu. Điều này nói lên chủ trương cổ phần hóa DN nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng, đặc biệt là chủ trương coi DN tư nhân, DN nhỏ và vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế bắt đầu có hiệu lực, tác dụng.
Tuy nhiên, đi sâu phân tích có thể thấy, tăng trưởng XK của DN 100% vốn trong nước mới tăng về lượng còn về chất chưa được như DN FDI. Chuyện đó là tất yếu vì giai đoạn đầu khi chuyển sang một hình thái mới, một vị thế mới sẽ là chuyển về lượng rồi mới dần dần mới biến chuyển về chất. Nếu đi vào đầu tư cho các yếu tố như công nghệ, các ứng dụng các kỹ thuật số… điều đó có thể cải thiện được.
Từ đầu năm đến nay, dù hoàn cảnh khó khăn song Việt Nam vẫn xuất siêu khá ấn tượng với con số 6,5 tỷ USD trong 7 tháng, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Một số ý kiến cho rằng, xuất siêu này đáng lo hơn đáng mừng. Quan điểm của ông ra sao?
- 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu mà lại vượt cả các năm trước là tín hiệu không vui. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không nhập được nguyên liệu về. Từ trước đến nay, NK chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, Việt Nam không nhập được nguyên liệu do hai nguyên nhân. Thứ nhất là không có đơn hàng XK nên không nhập. Thứ hai là khi có đơn hàng XK thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại đứt gãy nên không nhập được. DN mới chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dữ trự từ trước để XK chứ không nhập được cho giai đoạn sau. Thực tế này dẫn tới chuyện Việt Nam chỉ có XK mà không có NK. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm vẫn XK tốt. Nhiều mặt hàng giá tốt lên, xuất siêu là đúng. Việc này tiếp diễn báo hiệu tình trạng rất khó khăn trong nửa cuối năm.
Thêm vào đó phải nhấn mạnh rằng, xuất siêu chủ yếu do DN FDI xuất siêu. DN FDI vẫn giữ được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức độ đứt gãy không nhiều như DN Việt Nam. Điều này một lần nữa nói lên việc tổ chức các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là đặc biệt quan trọng.
Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8 mở ra cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng XK những tháng cuối năm. Các bộ, ngành đặt nhiều kỳ vọng EVFTA có thể giúp bù đắp phần nào thua thiệt trong XK hàng hóa từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này có khả thi không, thưa ông?
- EVFTA sẽ tác động to lớn tới XK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đây là sự tác động trong thời gian dài chứ ngay lập tức nửa cuối năm thì chưa nhiều. Bởi vì, Việt Nam chưa nhiều DN bắt nhịp được để đưa hàng hóa vào thị trường EU theo tiêu chuẩn của EU.
Với EVFTA, hy vọng lớn nhất của Việt Nam là nhập được công nghệ hiện đại từ thị trường EU để cải thiện được năng lực XK, nhất là khu vực 100% vốn trong nước. Muốn làm được khâu đó phải có độ trễ chứ không thể thể hiện ngay nửa cuối năm nay. Tôi cho rằng đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi thần kỳ của EVFTA cho XK hàng hóa nửa cuối năm, không nhanh được như vậy.
Ở góc độ ngành hàng, ông đánh giá đâu sẽ là ngành hàng có nhiều cơ hội tăng trưởng XK trong những tháng tới?
- Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng XK của Việt Nam vẫn giữ được mức độ tăng trưởng tương đối tốt, điển hình là mặt hàng gạo. Do ảnh hưởng bởi thời tiết, Covid-19 rất nặng nề, thế giới sẽ phải đối mặt với thời kỳ thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng sắp tới, trong khi đó Việt Nam vẫn có thể sản xuất tốt. Thậm chí, một số lĩnh vực Việt Nam có nguồn hàng dồi dào như tôm, cá tra, basa… Có lẽ cần có sự hỗ trợ, phối hợp giữa Nhà nước, ngân hàng, các DN XK, cơ sở sản xuất để đưa được lượng hàng cá tra, tôm… đang tồn kho ra thị trường thế giới một cách có tính toán, đem lại lợi ích lớn nhất.
Riêng với mặt hàng gạo, thời gian qua Việt Nam vẫn giữ đươc mức sản xuất, XK tăng trưởng tốt. Về mặt giá cả, loại gạo 2% tấm, 5% tấm của Việt Nam nửa đầu năm nay có sự cải thiện đáng kể so với gạo cùng loại của Thái Lan, thậm chí vượt qua gạo Thái Lan. Tuy nhiên, về dài lâu, Việt Nam cần dần giảm bớt XK các loại gạo “vô danh”, thay vào đó là gạo có thương hiệu rõ ràng, đặc biệt đi sâu vào giống gạo thơm, gạo dẻo… theo nhu cầu của các thị trường khác nhau. Như thế, gạo Việt mới có thể tận dụng được ưu thế của các FTA đem lại.
Với mức tăng trưởng XK khá khiêm tốn 0,2% trong 7 tháng đầu năm so với mục tiêu cả năm đề ra là 7-8%, theo ông có cần tính đến phương án điều chỉnh mục tiêu XK?
- Để trả lời câu hỏi này vẫn phải trả lời câu hỏi là khả năng khống chế dịch Covid-19 của thế giới, của các thị trường XK và Việt Nam đến đâu. Nếu khống chế tốt thì tốc độ tăng trưởng XK thậm chí mang tính bùng nổ, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng nửa cuối năm nay XK hàng hóa sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, nhưng cả năm XK có đạt được mục tiêu như đặt ra hay không thì cần tính toán lại.
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xây dựng đề án cụ thể phát triển XK cho từng khu vực, từng thị trường
Thị trường ngoài nước được đặc biệt quan tâm trọng điểm trong nửa cuối năm 2020, như là một điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế Việt Nam và cho thương mại. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN… sẽ là nhưng thị trường trọng điểm cần có những khung khổ tổng thể để thực hiện phát triển nửa cuối năm 2020.
Bộ Công Thương đang xây dựng các đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Bộ Công Thương sẽ chủ động triển khai với sự tham gia của cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiệm vụ này tập trung 4 nội dung gồm: Mở cửa thị trường; hỗ trợ DN xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của DN trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT): Tận dụng từng khe thị trường để thúc đẩy XK nông sản
Cả năm nay, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu tổng trị giá XK “cán đích” khoảng 41 tỷ USD. Thúc đẩy sản xuất, đồng thời phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản là 2 hướng giải pháp chính mà Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh để đạt được các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tập trung tận dụng từng nhóm thị trường XK, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm; tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đưa lại để tăng cường XK những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh Covid-19, phối hợp khai thác tốt thị trường nội địa… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, DN theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung cầu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, DN để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp…
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Cạnh tranh trong XK dệt may sẽ ngày càng khốc liệt
Hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi,… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới.
Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới.
Thời gian tới, các đơn vị thành viên Tập đoàn cần triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn; tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hệ thống…

Nguồn: Haiquanonline