Theo EC, đang có "nhận thức ngày càng tăng" về việc cần thiết phải thực hiện các bước đi tiếp theo nhằm hoàn thiện cấu trúc tài chính của Eurozone. Những điểm yếu của đồng euro đã được phơi bày trong cuộc khủng hoảng nợ nổ ra từ năm 2010 đến nay và các nước thành viên Eurozone và các thiết chế lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng nhiều giải pháp.

 Dù nhiều thể chế mới đã được thiết lập như quỹ cứu trợ và 19 nước thành viên Eurozone đã gắn kết hơn về chính sách, song EC cho rằng cần có sự nỗ lực hơn nữa để củng cố đồng tiền chung.
 EC đã đưa ra nhiều ý tưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, trong đó có việc tạo ra một "tài sản an toàn châu Âu" - một công cụ tài chính cho việc phát hành nợ chung vào khoảng giữa năm 2020 và năm 2025. EC cũng thừa nhận việc tạo ra một tài sản như vậy sẽ đặt ra một số vấn đề về pháp lý, chính trị và tổ chức cần được giải quyết.
 Việc phát hành nợ chung đã gây tranh cãi gay gắt trong nhiều năm, khi Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp cần cứu trợ. Đức là nước phản đối do lo ngại một giải pháp như vậy sẽ làm giảm áp lực buộc các nước thực hiện các chính sách tài chính thận trọng.
 Bên cạnh đó, EC cũng đưa ra một ý tưởng về việc thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo kiểu châu Âu cũng như đề cử một Chủ tịch thường trực của nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, đứng đầu Bộ Tài chính của khu vực. Bộ Tài chính của Eurozone sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngân sách chung để giảm thiểu các cú sốc kinh tế, với nguồn tài trợ đến từ quỹ cứu trợ của khu vực, ngân sách của EU hay đóng góp của các nước.
Ngoài ra, EC còn hối thúc hoàn tất việc thành lập Liên minh ngân hàng ở Eurozone đã được khởi động trong "tâm bão" khủng hoảng nợ khi một loạt các ngân hàng ở Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp lâm vào tình trạng phá sản.
 Những ý tưởng trên của EC nằm trong số các đề xuất về tương lai của EU, khi khối này sẽ bắt đầu đàm phán với Anh về Brexit, một bước lùi lớn đối với tiến trình hội nhập ở EU, nhưng cũng đồng thời cho thấy đóng góp về kinh tế của Eurozone trong EU tăng từ 2/3 hiện nay lên 4/5.

Nguồn: Vietnamplus.vn