Cơ hội lớn đến nâng sức cạnh tranh cho gạo
Tại Hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua", ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ đa biên (Bộ Công Thương) nhận định gạo là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được thông qua". Ảnh: Đức Quỳnh
Giải thích cho nhận định trên, ông Khanh cho biết hiện nay Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU khó, bởi đối mặt với sự cạnh tranh từ gạo Myanmar, Campuchia do đây là những nước kém phát triển và được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu sang EU.
"Chẳng hạn như ở thị trường Italy, giá trị xuất khẩu trung hàng năm chỉ 100.000 USD. Tuy nhiên, con số này của Campuchia là vài triệu USD", ông Khanh nói.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam từ ngày 1/9/2018 đến ngày 30/6/2019, EU nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn gạo. Trong đó bao gồm hơn 19.000 tấn lúa, hơn 527.000 tấn gạo lứt và gần 651.000 tấn gạo trắng.

 Tuy nhiên, trong 5 thị trường cung cấp gạo các loại lớn nhất của EU, không có sự góp mặt của Việt Nam. 
Campuchia là nguồn cung gạo lứt và gạo trắng lớn nhất cho EU với hơn 162.000 tấn. Song con số này giảm 25% so với cùng kì năm ngoái.

Top 5 thị trường xuất khẩu gạo sang EU. Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Phó Vụ trưởng, Vụ đa biên nhận định nếu EVFTA gạo của Việt Nam về 0% thì gạo của Việt Nam có lợi thế và cần tận dụng ngay.
Lộ trình giảm thuế gạo xuất khẩu sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực. Nguồn: Trung tâm WTO (VCCI)
Trao đổi với người viết bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm), cho biết các sản phẩm của Campuchia, Myanmar xuất khẩu sang EU hiện nay đang được hưởng quy chế EPA dành cho các nước kém phát triển nên thuế suất được giảm còn 0%.
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý: "Quy chế này không ổn định. EPA liên quan tới nhiều yếu tố phi thương mại. Chẳng hạn như năm ngoái, EU xem xét cắt chế đố ưu đãi thuế EPA với Myanmar không sau sự kiện liên quan đến nhân quyền".
Các nước đối thủ sẽ không ngồi yên nhìn Việt Nam hưởng lợi
Phó Vụ trưởng, Vụ đa biên nhấn mạnh Việt Nam cần duy trì được càng lâu càng tốt. Hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, các nước này chưa có FTA với EU.
"Nhưng điều này không có nghĩa rằng họ mãi mãi không có FTA với EU", ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Khanh cho rằng những nước này sẽ lại chủ động và đẩy mạnh việc đàm phán với EU bởi họ không muốn để mất lợi thế cạnh tranh về tay Việt Nam tại thị trường lớn như vậy. Lúc đó, Việt Nam sẽ không còn lợi thế tại EU nữa.
Do đó, ông Khanh cho rằng Việt Nam đã kí được FTA với EU trước thì cần duy trì càng lâu, tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt, bởi các đối thủ của Việt Nam sẽ không yên và nhìn Việt Nam có lợi.
"Việt Nam cần chuẩn bị ngay để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA. Việt Nam còn nhiều việc phải làm", ông Khanh nhấn mạnh.
Hàng loạt chiến lược nâng cao sức cạnh tranh cho gạo
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Chính phủ, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.
Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn. Đầu tiên là Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030;
Thứ hai là Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cuối cùng là Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ngày 15/8/2018, Nghị định số 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành thay thế Nghị định số 109/2010 nhằm giảm chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.
Nghị định này cũng bổ sung, điều chỉnh nhiều quy định về hợp đồng tập trung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quy định về cơ chế hợp đồng tập trung, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng