Người nông dân phải là doanh nghiệp, phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại giá trị cho người tiêu dùng, qua đó mới tối ưu hóa được mục tiêu phát triển bền vững - Đây là ý kiến của ông Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp bền vững Việt Nam - EU với chủ đề "Nông nghiệp 4.0 - Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu" tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Nông nghiệp Việt Nam là 1 trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định, hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước và đưa Việt Nam vượt qua nhóm các nước có thu nhập thấp. Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, là nguồn thu ngoại tệ quan trọng và xuất siêu cho cả nước; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới...
Việt Nam hiện đang thực hiện 13 FTA, bao gồm hiệp định CPTPP và tiếp tục đàm phán các FTA mới, trong số đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết ngày 30/6/2019.
"EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Cùng với cơ hội mà Hiệp định mang lại, chúng tôi cũng nhận thức được rằng để nông sản Việt Nam đi vào thị trường Châu Âu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Về cơ hội XK sang thị trường EU trong thời gian tới, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá trên cơ sở hai điểm, đó là nhu cầu và quy mô của thị trường EU. EU là thị trường NK lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU NK khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi đó thị phần XK của Việt Nam ở EU khoảng 2%. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường EU rất lớn và dư địa cho Việt Nam XK sang EU là lớn. Dư địa này cộng với cam kết cắt giảm thuế quan sẽ tạo lợi thế vô cùng lớn cho các DN Việt Nam.
Cũng đánh giá về cơ hội của Việt Nam khi tham gia EVFTA, ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA, vì việc giảm thuế sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn, chi tiêu cao của châu Âu.
Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một nền kinh tế mở và đang trên đường tăng trưởng mạnh mẽ, đi kèm với đó là tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể. Ngoại thương đã trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, xuất khẩu chiếm gần 98% GDP. Trong khi đó, EU là thị trường lớn thứ 2 (17,7%) của Việt Nam.
"Với EVFTA này, gần như tất cả thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai thị trường sẽ được gỡ bỏ sau 7-10 năm, theo đó sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU cũng như tiếp cận và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, thiết bị chất lượng cao với mức giá khá ổn định. Thật thú vị khi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và EU bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh", Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, các diễn giả tại diễn đàn đều có chung nhận định, việc Việt Nam ký kết EVFTA tạo ra cơ hội nhưng cũng đem đến những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các DN Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, khỏa lấp được những rào cản, thách thức đang và sẽ có để duy trì sự phát triển.
"Các DN phải ý thức được rằng, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà chúng ta đã cam kết là chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu", ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay.
Theo ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EU có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Vì vậy, việc DN châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau, học hỏi lẫn nhau và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi là điều cấp thiết.
Chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam vào châu Âu?
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, với những cơ hội mà EVFTA mang lại, Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa thị trường nông lâm thủy sản để giảm bớt rủi ro vào một số thị trường nhất định. Tuy vậy, tham gia EVFTA, các cơ quan quản lý của Việt Nam phải cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Trong khi đó, DN phải nỗ lực để nâng cao cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm để hướng tới tận dụng tối đa lợi thế mà thị trường XK EU mang lại.
Ông Kohei Sakata, Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trọng Tập đoàn Bayer chia sẻ, ở châu Á, trong đó có Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ sản xuất nhỏ, với diên tích đất canh tác từ 2 - 3 ha, nhưng lại cung cấp đến 70% nguồn lương thực.
"Trong khi đó, các giải pháp kỹ thuật số của Bayer đã mang đến những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy canh tác bền vững trong nông nghiệp. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của Bayer để giúp các nông hộ sản xuất nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn", ông Kohei Sakata nói.
Theo ông Kohei Sakata, công nghệ là giải pháp hữu ích giúp nông dân trong thời đại hiện nay. Với việc các hộ nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, Bayer sẽ cố gắng chuyển giao kiến thức về kỹ thuật số cho nông dân. Với kỹ thuật số, người nông dân không phải tiếp cận thuốc sâu, thay vào đó là dùng máy bay không người lái. Bằng việc dùng máy bay không người lái, hàm lượng thuốc sâu được điều chỉnh chính xác, tránh rải thuốc quá nhiều hoặc quá ít, qua đó đóng góp vào bảo vệ tài nguyên.
Cho rằng nông sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về công nghệ, để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt và để đạt năng suất cao, ông Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần thực hiện tốt các cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
"Chúng tôi cam kết hướng tới một tương lai sản xuất thực phẩm nông nghiệp bền vững, đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường an toàn thực phẩm và sử dụng hiệu quả các thiết bị, máy móc trong dây chuyền sản xuất thông qua các giải pháp kỹ thuật số hàng đầu trong ngành", ông Brian Hull nói.
Nếu muốn có hình ảnh thương hiệu 4.0 trong ngành nông nghiệp, ông Brian Hull cho rằng, phải có quá trình chế biến thông minh, sản xuất thông minh, quản lý lượng nước... Trong quá trình này phải có sự tham gia của robot để thu hoạch sản phẩm, sử dụng dữ liệu mà hệ thống thu thập được nhằm giúp tối ưu hóa mục tiêu phát triển bền vững.
"Mục tiêu phát triển bền vững là gì? Là ở đó người nuôi trồng phải có mức sống tốt, người nông dân phải mang lại giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, phải đào tạo và nói cho người nông dân biết họ phải làm gì để mang lại giá trị. Tôi cho rằng, nông dân phải là doanh nghiệp, phải có mục tiêu, phải bắt đầu nghĩ như người tiêu dùng, thay vì chỉ muốn có sản lượng cao hơn. Ngoài ra, người Việt Nam rất thông minh, nhiệt tình, có truyền thống làm nghề nông lâu đời. Nếu họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, họ sẽ có thêm thu nhập và mang lại giá trị cho người tiêu dùng...", Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam nói.
Ông Brian Hull cho biết thêm, "sức mạnh chính của Việt Nam là Việt Nam có thể làm được tốt hơn các quốc gia khác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta phải làm đúng cách, phải lắng nghe người mua, tuân thủ những yêu cầu từ phía châu Âu, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Việc làm tốt khâu quảng bá thương hiệu cũng là điều các DN Việt Nam cần lưu ý. Làm tốt điều này, nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững trong kỷ nguyên số 4.0 và hội nhập kinh tế sâu rộng".
Nguồn: Doanhnghiepvn.vn