Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện hiệp định này tại Việt Nam.
Năm 2019 là năm đầu tiên những cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ nhận được gì từ các cam kết của Hiệp định này?
- Trước hết phải khẳng định rằng, hội nhập kinh tế quốc tế bao giờ cũng mang lại các tác động cả hai chiều. Điều này không chỉ diễn ra đối với riêng Việt Nam mà với tất cả các nước tham gia vào sân chơi này.
Các FTA, đặc biệt là các FTA “thế hệ mới” như CPTPP hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bên cạnh các lợi ích lớn có thể nhận diện ngay được như tăng trưởng xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thu hút được nhiều hơn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc cải cách thể chế… thì cũng sẽ đặt ra các thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam. Có thể kể đến như sức ép cạnh tranh, giải quyết bài toán về thu ngân sách nhà nước, hay sức ép đối với công tác hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế và một số thách thức khác.
Để tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại, doanh nghiệp (DN) Việt cần thay đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Nhận diện được các khó khăn khi Hiệp định đi vào thực thi sẽ giúp các DN phần nào chuẩn bị được tốt hơn và chủ động hơn cho sân chơi mới này. Trước hết, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa của các đối tác CPTPP. Từ đó có phương án củng cố và nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa để đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên chính thị trường nội địa, đồng thời xâm nhập sang thị trường các nước.
Tiếp theo là DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP và EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.
Cuối cùng, các DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường trong khu vực CPTPP và EVFTA để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Vậy Bộ Công Thương sẽ làm gì để giúp DN Việt tham gia hiệu quả các hiệp định mới này?
- Bộ Công Thương đã đưa ra các kế hoạch cụ thể. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với DN để giúp DN tận dụng thật tốt các cơ hội mà các FTA mang lại. Về cơ bản các hoạt động này sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến để cung cấp thông tin về các cam kết trong Hiệp định cho cộng đồng DN trên cả nước để hiểu rõ và hiểu đúng các quy định, cam kết trong các lĩnh vực cụ thể, hỗ trợ cho công tác hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN; Xây dựng và thực thi các biện pháp hỗ trợ cần thiết để DN trong nước có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, từ đó tận dụng được tối đa các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Xin cảm ơn ông!

12 dự án thua lỗ sẽ xử lý như thế nào trong năm 2019?

Liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Bộ trưởng cũng cho biết, một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng đã được các đơn vị tập trung xử lý có hiệu quả. Điển hình là việc hoàn tất đàm phán và ký kết được chính thức Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh sửa đổi và quy định đề cử chức danh Tổng Giám đốc ở Dự án Nhà máy Thép Việt Trung sau một thời gian dài bế tắc; Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện Hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu EPC và đã ký thỏa thuận hòa giải. Hiện hai bên đang hoàn tất quá trình hòa giải tại Trọng tài quốc tế tại Singapore và Trung tâm hòa giải Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện xử lý hiệu quả 12 dự án này, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; Có các giải pháp tạo thuận lợi về thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, trong đó có các lĩnh vực về phân bón, thép, xơ sợi, nhiên liệu sinh học.
Bộ cùng với các ngành và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ tiếp tục rà soát, xử lý vấn đề giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản; xử lý nợ, lãi suất vay vốn; tái cơ cấu các khoản nợ vay của các dự án, DN theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro. Điều chỉnh lại cơ chế vay, trả nợ cho phù hợp để hỗ trợ dự án, DN ổn định sản xuất kinh doanh; Tiếp tục hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty về xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của các dự án, DN; Xem xét, xử lý các vấn đề về môi trường của các dự án, DN theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Baophapluat.vn