Sáng nay (30/7), Hội thảo "20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế" được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo có ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương; bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng nhiều diễn giả, khách mời.

Tại Hội thảo, Thứ tưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng tầm thành đối tác toàn diện sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mối quan hệ được xây dựng trên quan điểm tôn trọng sự khác biệt về thể chế nhưng cùng hướng tới mục tiêu chung: phồn vinh, thịnh vượng và phát triển.

Mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ nâng lên tầm cao mới được thể hiện trong việc ký kết hiệp định TPP, là động lực phát triển mối quan hệ giữa 2 nước. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thành công của TPP cũng là thành công trong chiến lược cần bằng, xoay trục của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo Thứ trưởng, dự kiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015 đạt khoảng 40 tỷ USD.

Phân tích lợi ích phát triển của TPP đối với kinh tế Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh cho biết thứ nhất, về mặt kinh tế và thương mại, nếu TPP được thông qua, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử... đều được dỡ bỏ hàng rào thuế quan về 0%. Trong khi Việt Nam đang là nước thứ 2 sau Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ nên các sản phẩm của Việt Nam sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, theo Thứ trưởng, Hoa Kỳ và Việt Nam thống nhất trong khuôn khổ TPP thì hàng loạt các vấn đề khác như đầu tư, thương mại... được hưởng lợi. Con số hưởng lợi tùy thuộc vào tính toán của từng chuyên gia kinh tế, tuy nhiên con số tăng trưởng sẽ rất ấn tượng.

Cùng đánh giá tác động của TPP, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế Việt Nam rằng, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia. GDP dự báo sẽ tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương ứng giá trị tuyệt đối từ 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD. Gia nhập TPP, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD tới năm 2025.

 

Khổng Chiêm