Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo nên năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu…, chăn nuôi không được coi là một ngành mà Việt Nam có lợi thế.

Trước đó, khi được hỏi về việc hội nhập sẽ tác động như thế nào tới ngành chăn nuôi, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, trên 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”.

Đánh giá về ngành chăn nuôi Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập, TS Lưu Bích Hồ – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chăn nuôi sẽ là ngành chịu ảnh hưởng lớn khi Việt Nam gia nhập TPP và các FTA.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tác động của TPP và AEC đến ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới?

TS Lưu Bích Hồ: Tác động của TPP đối với toàn bộ nền kinh tế nước ta là rất to lớn; về xuất khẩu và nhập khẩu đều sẽ có tác động. Theo tính toán của nhiều chuyên gia nghiên cứu, Việt Nam sẽ là nước được lợi lớn nhất khi tham gia TPP.

Tuy nhiên theo tôi, tác động này còn phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Muốn tăng GDP, tăng xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.

Riêng đối với ngành chăn nuôi, đây sẽ là ngành phải chịu ảnh hưởng lớn và Việt Nam không thể để thua ngay trên sân nhà. Khi TPP có hiệu lực, nhập khẩu trong ngành chăn nuôi, nhất là đối với mặt hàng thịt từ Mỹ, Úc hay sữa New Zealand… đều sẽ tăng cao và đe dọa nền sản xuất trong nước.

Theo quan điểm của ông, để không thua trên sân nhà thì doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Trước hết, doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, giá cả, tiếp cận thị trường cho thật tốt. Điều quan trọng nhất là phải tạo được chuỗi giá trị. Trong chuỗi đó đòi hỏi sự sáng tạo của doanh nghiệp, người nông dân và các cơ quan nghiên cứu khoa học.

Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Nếu làm tốt sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp.

Nhìn vào cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam có thể thấy rằng hộ chăn nuôi nhỏ lẽ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Theo ông, cần làm gì để giảm thiểu tác động đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi các FTA có hiệu lực?

Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì buộc lòng phải liên kết lại. Người nông dân phải liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Hiệp hội.

Bên cạnh đó có thể tổ chức những trang trại lớn. Hiện nay Luật đã mở hơn rất nhiều, người nông dân đã có quyền sử dụng đất. Phải làm sao tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ được ruộng đất, tạo ra những trang trại lớn. Khi có những trang trại lớn, người nông dân sẽ tăng cường sản xuất quy mô lớn.

Tất nhiên, sản xuất quy mô lớn phải gắn với chế biến tạo thành chuỗi cung ứng. Nuôi vài ba con thì không thể là sản xuất lớn. Muốn sản xuất quy mô lớn phải hàng ngàn, hàng vạn con mới đủ khả năng, điều kiện để áp dụng công nghệ hiện đại.

Các trang trại nuôi bò, lợn của Mỹ đều lên tới 500ha, mọi quá trình đều được tự động hóa, cơ giới hóa. Năng suất lao động cao gấp hàng trăm lần nước ta. Việt Nam còn gần 50% là lao động nông nghiệp, trong khi con số này ở các nước khác chỉ khoảng từ 3-5%.

Do vậy, trước mắt cần tập trung xây dựng chuỗi cung ứng. Hiện nay chuỗi cung ứng trong nông nghiệp của nước ta còn méo mó, tách rời; người nông dân còn bị ăn chặn, ngành chăn nuôi sẽ khó phát triển được.

Vấn đề cơ bản của ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập chính là đừng để thua trên sân nhà như vụ đùi gà Mỹ. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển ngành chăn nuôi dựa trên một số loại đặc sản như gà đồi, lợn mán, lợn cắp nách…

Theo Nguyệt Quế

 Trí thức trẻ

Nguồn: Trí Thức Trẻ