Đây được xem là một ngành kinh tế mới không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, mà quan trọng hơn là đóng góp vào cung cấp hàng hóa và dịch vụ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Trong khi các doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong xuất khẩu sang các thị trường của các nước phát triển thì việc mở cửa thị trường DVMT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu này với chi phí thấp hơn. Bài viết này sẽ tập trung làm rõ khái niệm và phân loại về DVMT trên thế giới và của Việt Nam, đánh giá thực trạng phát triển DVMT ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển DVMT ở Việt Nam.
Khái niệm và phân loại dịch vụ môi trường
Cho tới nay trên thế giới chưa có một định nghĩa thống nhất về DVMT mà chủ yếu tập trung vào danh mục phân loại được hình thành từ thực tiễn hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia. Phần lớn các quốc gia hiện nay khi tham gia đàm phán không bắt buộc phải tuân theo một danh mục về DVMT nào mà có thể tự do sử dụng hoặc xây dựng cho mình một danh mục riêng nhằm phục vụ mục đích đàm phán và cam kết thương mại, tùy thuộc vào lợi ích của mình trong đàm phán.
Trong phân ngành dịch vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), DVMT nằm trong số 12 lĩnh vực thuộc Danh mục phân ngành dịch vụ đuợc xây dựng dựa trên hệ thống phân loại CPC của Liên Hợp Quốc và được chia thành 07 nhóm chính: 1/Dịch vụ về nước thải; 2/Dịch vụ về rác thải; 3/Dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ tương tự khác; 4/Dịch vụ giảm khí thải từ các phương tiện giao thông; 5/Dịch vụ giảm tiếng ồn; 6/Dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và cảnh quan; và 7/ Các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, cách phân loại này có một số bất cập là chỉ phần nào tương ứng với các lĩnh vực môi trường cơ bản, đặc biệt với nước thải, rác thải và chỉ giới hạn trong các dịch vụ cuối đường ống, tức là không bao hàm ngăn ngừa ô nhiễm và quản lý bền vững tài nguyên, đồng thời cũng không tính đến các dịch vụ được cung cấp trực tiếp cho ngành môi trường và tất cả các loại hình dịch vụ có thể mang lại lợi ích môi trường.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra một khái niệm rộng hơn, đó là “ngành công nghiệp môi trường”. Ngành công nghiệp môi trường bao gồm tất cả các loại hình hoạt động để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ bắt đầu từ các thiết bị nguồn, các công nghệ làm sạch và kiểm soát ô nhiễm, tới các dịch vụ kỹ thuật và tái chế… Theo định nghĩa này, OECD chia DVMT thành 7 phân ngành: 1/Nước sinh hoạt và quản lý nuớc thải; 2/Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; 3/Bảo vệ khí quyển và khí hậu; 4/Khôi phục và làm sạch đất, nước; 5/Giảm độ rung và tiếng ồn; 6/Bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan môi truờng; 7/Các dịch vụ hỗ trợ và dịch vụ môi truờng khác.
Việt Nam chưa có các hướng dẫn về phân loại DVMT, ngành công nghiệp môi trường và các sản phẩm công nghiệp môi trường hiện nay cũng chưa có mã ngành kinh tế và mã ngành sản phẩm, tuy nhiên đây là một trong 2 nội dung quan trọng của ngành công nghiệp môi trường (gồm cả hàng hóa môi trường) đã được Luật BVMT định nghĩa là “một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT”. Theo Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam thì có thể thấy một số nhóm sản phẩm liên quan đến DVMT đã được xếp trong nhóm ngành E gồm: E37: Dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; E38: Dịch vụ thu gom, xử lý, thải bỏ và tái chế rác thải; E39: Dịch vụ xử lý ô nhiễm và các dịch vụ quản lý chất thải.
Thực trạng phát triển dịch vụ môi trường tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, tỷ trọng của ngành DVMT trong GDP có xu hướng tăng lên, từ mức 0,51% năm 2005 đã tăng lên gần 0,57% năm 2013, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xử lý chế biến nước thải đô thị, chế biến khoảng 15% nhu cầu chất thải rắn và 14% lượng chất thải nguy hại. Trong năm 2014, theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng chung toàn ngành, đạt 6,4%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (9,1%).

Tốc độ tăng trưởng của của một số nhóm DVMT theo mã ngành E năm 2014 (theo năm gốc so sánh 2010, %)

Nguồn: Báo cáo tình hình sản xuất Công nghiệp và Thương mại năm 2014 và Kế hoạch 2015
Hiện nay, quy mô thị trường DVMT của Việt Nam theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) dựa vào danh mục của OECD năm 2015 vào khoảng 30 tỷ USD và có xu hướng tăng liên tục với tốc độ trên 8%/năm. Việt Nam hiện đứng thứ 21 trong tổng số 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về xuất khẩu DVMT với xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2008-2014 hơn 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, chúng ta vẫn đứng ở vị trí rất thấp so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonexia… Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia trên thế giới về nhập khẩu DVMT với quy mô nhập khẩu trung bình giai đoạn 2008-2014 vào khoảng 4 tỷ USD. Xuất nhập khẩu DVMT của Việt Nam tập trung vào nhóm các máy móc, thiết bị, gồm các linh kiện cho sản xuất năng lượng tái tạo, các sản phẩm tiết kiệm điện, các linh kiện cho hoạt động của các nhà máy tái chế, xử lý nước thải, rác thải, khí thải… Mặc dù vậy, dựa vào các số liệu về thị trường DVMT và danh mục theo phân loại DVMT của Việt Nam thì có sự chênh lệch rất lớn về quy mô thị trường do nhiều DVMT không được đưa vào thống kê.
Theo thống kê 2014 số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là 1.133 doanh nghiệp – chiếm 0,33% tổng số doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vệ sinh, công trình và cảnh quan là 1.258 doanh nghiệp chiếm 0,36% tổng số doanh nghiệp. Về cơ cấu doanh nghiệp thì khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn với hơn 95%, khối doanh nghiệp nhà nước đứng thứ hai và có tỷ lệ thấp nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với khu vực FDI, theo số liệu thống kê của cục đầu tư nước ngoài tính lũy kế đến ngày 31/12/2014, lĩnh vực cấp nước xử lý chất thải là 38 dự án với số vốn điều lệ là 368,62 triệu USD và tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.348,49 triệu USD.
Các chính sách thúc đẩy phát triển DVMT tại Việt Nam
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để định hướng, thúc đẩy phát triển nhằm tận dụng các cơ hội của tự do hóa thương mại và phát triển năng lực nội tại của các doanh nghiệp trong nước. Chính sách phát triển DVMT của Việt nam trực tiếp nhất cho đến thời điểm hiện tại là Đề án “Phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 249/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 02 năm 2010, và Đề án “Phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được ban hành theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 7 năm 2009. Theo đó DVMT, sản xuất thiết bị môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường là ba lĩnh vực phát triển chủ đạo của Việt Nam. Ngoài ra, Việt nam cũng đã ban hành rất nhiều chính sách định hướng nhằm thúc đẩy phát triển DVMT như “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050”, “Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh quốc gia giai đoạn 2014-2020” với các định hướng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành rất nhiều các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển DVMT, chẳng hạn, Luật bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng có các quy định về DVMT (Điều 150) với việc nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp DVMT thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư. Luật đầu tư số 67/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26/11/2014 có quy định hoạt động thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn do Chính phủ ban hành ngày 9/4/2007 có quy định nguồn vốn đầu tư và ưu đãi đầu tư trong xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ. Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải nhằm điều chỉnh các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải do Chính phủ ban hành ngày 6/8/2014 có quy định về các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một số nhận định và đánh giá
Hiện trạng DVMT của Việt Nam được nhận định còn rất sơ khai, chỉ mới định hình rõ và phát triển ở lĩnh vực chất thải và nước thải với tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước.
Về năng lực cung ứng dịch vụ: Hiện nay các doanh nghiệp DVMT của Việt Nam hoạt động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nước thải và rác thải. Mặc dù có sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các tổ chức DVMT nhưng về cơ bản mới chỉ xử lý được một phần rất nhỏ chủ yếu là hoạt động thu gom và xử lý sơ bộ so với nhu cầu của ngành, nhiều dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như xử lý khí thải… thì các doanh nghiệp DVMT hầu như chưa đáp ứng được. Cho đến nay, năng lực ngành DVMT mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.
Về phát triển nguồn nhân lực: các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực công nghệ và quản lý môi trường vốn vừa thiếu lại vừa yếu của thị trường nhân lực trong nuớc.
Về năng lực công nghệ: Khả năng công nghệ của các doanh nghiệp đang ở mức rất thấp, các công nghệ sử dụng không hiện đại. Một trong những lý do là tỷ suất lợi ích/đầu tư trong lĩnh vực DVMT chưa cao cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ chưa hẳn rõ ràng, ưu đãi lớn để có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Về nguồn vốn: Thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành DVMT còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội, chủ yếu dựa vào kinh phí cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị. Doanh nghiệp trong nước còn hạn chế về khả năng tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi khoa học công nghệ tiên tiến, cũng như thông tin và khả năng tiếp cận thị trường so với doanh nghiệp nước ngoài.
Về chính sách hỗ trợ phát triển: Hệ thống văn bản pháp lý có liên quan đến phát triển DVMT vẫn còn rất thiếu, chưa đồng bộ, một số chưa có những văn bản hướng dẫn thực thi. Chẳng hạn, Việt Nam chưa có danh mục phân loại chi tiết về DVMT cũng như mã ngành trong phân ngành các sản phẩm. Ngoài ra, một số các văn bản pháp lý có liên quan quy định về ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường lại thiếu các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để so sánh, phân loại và xác định đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Kết luận và kiến nghị
Phát triển DVMT và tự do hóa thương mại là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu do những đóng góp cho các hoạt động bảo vệ môi trường trước áp lực ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Mặc dù đã có nhiều chính sách được xây dựng để thúc đẩy phát triển, tuy nhiên, đây là một ngành công nghiệp dịch vụ còn non trẻ, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ phát triển vẫn còn nhiều bất cập. Do vậy, để khắc phục các hạn chế và khai thác các lợi thế tiềm năng này, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào môt số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hiện có nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển DVMT như hoàn thiện hệ thống mã ngành kinh tế và danh mục mã sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường và DVMT để nhận dạng dịch vụ, làm căn cứ để quy định các chính sách; Lồng ghép phát triển dịch vụ môi truờng vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương; Thúc đẩy cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước về dịch vụ môi truờng..
Thứ hai, củng cố và phát triển thị trường dịch vụ môi trường thông qua việc hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức DVMT; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý chuyên môn về DVMT trong cơ cấu thành phần tổ chức ngành công nghiệp môi trường ở các cấp; Tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp chế tạo thiết bị và tổ chức dịch vụ để nâng cao năng lực và hoạt động DVMT.
Thứ ba, tăng cường công tác huy động nguồn lực và ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động thúc đẩy phát triển DVMT với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật đối với DVMT, tăng cường đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương cho hoạt động DVMT, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực DVMT.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế và tự do hóa thương mại đối với phát triển DVMT như nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ; thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư liên kết, liên doanh, đẩy mạnh đàm phán và tổ chức thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại trong các hiệp định thương mại quốc tế…

ThS. Trần Huy Hoàn; ThS. Võ Kim Tuyến – Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương (Theo MT&ĐS)

Nguồn: vimoitruongxanhquocgia.vn