Cơ hội vượt thách thức
Thủy sản là một trong những ngành hàng XK lớn, còn nhiều dư địa phát triển của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: Ngành Thủy sản hiện có hơn 900 đầu mối đang tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy XK thủy sản đi 160 thị trường khác nhau. Trong số đó, có khoảng hơn 600 nhà máy. Lực lượng doanh nhân đi tìm kiếm cơ hội XK khá đông. Các nước khác, nhất là các nước có sức cạnh tranh ngang bằng hoặc hơn Việt Nam cũng tương tự như vậy. Cạnh tranh trên phương diện buôn bán thủy sản quốc tế diễn ra rất quyết liệt.
Thời gian qua, Chính phủ luôn chủ động trong đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình gần đây là Hiệp định CPTPP. Điều này mở ra những cơ hội rất lớn cho ngành chế biến, XK thủy sản.
“Việt Nam có lợi thế về các sân chơi. Đó là cơ hội lớn nhất. Ví dụ, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định CPTPP, so với nước cạnh tranh khốc liệt với thủy sản Việt Nam là Thái Lan, Việt Nam có ưu thế phân khúc thị phần 10 nước đối tác trong CPTPP. 25% thị phần XK thủy sản nằm ở 10 nước này. Đây đều là những khối thị trường rất quan trọng”, ông Nam nói.
Liên quan tới Hiệp định CPTPP, với ngành Dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: Cơ hội mở ra cho các DN XK dệt may rất lớn. Ngành dệt may sẽ có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn có tiềm năng, trong đó có những thị trường hiện Việt Nam chưa có FTA. Cũng theo ông Cẩm, Hiệp định CPTPP quy định thuế suất hầu hết mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm. Thuế suất vào các thị trường XK giảm sẽ giúp DN đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, DN dệt may còn có thể tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối…
“Hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng XK mỗi năm đạt trên dưới 10%/năm thì ngành dệt may Việt Nam phải tập trung vào khai thác tốt những thị trường trong khối CPTPP”, ông Cẩm khẳng định.
Không giống như thủy sản hay dệt may, chăn nuôi từ trước tới nay được đánh giá là ngành hàng bất lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây và CPTPP ở hiện tại.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: Khoảng 2-3 năm trước, nói tới TPP, ngành Chăn nuôi khá lo ngại. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành cũng có những đổi mới, vươn lên nên hiện nay tiếp cận Hiệp định CPTPP điềm tĩnh hơn. Chăn nuôi Việt Nam vẫn lo lắng trước Hiệp định CPTPP song tin tưởng sẽ tồn tại được.
“Trong bối cảnh không còn Hoa Kỳ, ngành Chăn nuôi từ trước tới nay NK ngô, đậu tương, con giống từ Hoa Kỳ nhiều thì nay có thể bù đắp bằng một số thị trường khác trong CPTPP. Với mặt hàng thịt lợn, nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, XK thịt lợn sang Nhật Bản sẽ dễ dàng hơn khi CPTPP có hiệu lực. Với sản phẩm sữa, hiện tại ngành sữa chỉ tự túc được 30%, phấn đấu đến năm 2020 tự túc 50%, còn lại vẫn phải NK. Vì vậy, dù không thể cạnh tranh với ngành sữa của Australia, New Zealand nhưng rõ ràng khi có Hiệp định CPTPP, việc NK sữa sẽ tốt hơn”, ông Trúc nói.
Rốt ráo “tiếp đón”
Chỉ còn vài tháng nữa Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực. Nhìn nhận rõ những cơ hội mở ra từ CPTPP, các ngành hàng đã, đang có sự chuẩn bị, “tiếp đón” CPTPP như thế nào?
Về vấn đề này, ông Nam cho biết: Ngay trong quá trình đàm phán gần đây, VASEP cũng được tham gia đóng góp, cho ý kiến dữ liệu ở khía cạnh cạnh tranh. Riêng về thuế, có những điểm DN nhận thấy thuận lợi, đang có nhiều cơ hội ở giai đoạn này.
“Để chuẩn bị cho CPTPP, với một số thị trường cụ thể, chúng tôi đã xem xét kỹ kết quả cuối cùng, cập nhật thông tin cho DN. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhờ chính các chuyên gia trong Đoàn đàm phán Hiệp định CPTPP cập nhật cho DN. Gần đây nhất, chúng tôi đã mời đại diện Bộ Công Thương chia sẻ về xuất xứ với DN. Bên cạnh đó, các DN cũng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại so với trước. Lợi thế của DN XK thủy sản Việt Nam là đã có sự đầu tư công nghệ, giá thành cạnh tranh, phải cố gắng tận dụng cơ hội từ CPTPP”, ông Nam nói.
Đứng từ góc độ DN cụ thể, ông Thái Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương đánh giá: Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho DN tại nhiều thị trường cả theo chiều XK và NK, điển hình như thị trường Australia. Hiện nay, nguồn nguyên liệu NK của ngành Dệt may còn đang bị gò bó, đa số là nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Khi mở rộng ra, DN có thể NK nguyên liệu từ các thị trường trong khối CPTPP, ví dụ NK len từ Australia…
Ông Dương nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, DN sẽ tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, thâm nhập các thị trường bằng chính sự nỗ lực của DN. Trước mắt, DN sẽ tập trung nghiên cứu kỹ thị trường hướng đến. Ngoài ra, DN cũng phải đầu tư thêm máy móc hiện đại, trau dồi thêm tay nghề cho công nhân… nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe đặt ra.
Cần cải cách kịp thời
Một trong những khía cạnh từ Hiệp định CPTPP được cộng đồng DN khá quan tâm là CPTPP sẽ tạo động lực cho cải cách trong nước, điển hình là cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Về điều này, ông Nam bày tỏ quan điểm: Thủy sản là ngành hàng gắn từ sản xuất nông ngư dân, chế biến tới thương mại toàn cầu…, va chạm khá nhiều. DN thủy sản hội nhập khá lâu nên đều thấy rõ tác động từ các FTA, có nhiều kinh nghiệm để ứng phó trước các FTA. Điều DN ngần ngại nhất là những chuẩn bị, cải cách trong nước không kịp thời để giúp DN tận dụng cơ hội từ FTA so với sự chuẩn bị của nước ngoài, cụ thể là những đối thủ cạnh tranh.
“Ví dụ, hiện nay, trên thế giới có 4 nước cạnh tranh trực tiếp, chủ lực với mặt hàng tôm của Việt Nam. Họ đều có chiến lược cụ thể, nhìn sang động thái của Việt Nam để cạnh tranh, trong đó có chuyện về các FTA, về CPTPP. Họ có sự phân tích rõ ràng, tại các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA, họ bất lợi cái gì hơn so với Việt Nam và có lợi thế cạnh tranh hơn ở điểm nào… Cộng đồng DN mong rằng những chuẩn bị, cải cách trong nước sẽ chuyển dịch nhanh hơn. Nếu không thể thay đổi, cải cách ngay trên văn bản thì tập trung cải cách chất lượng cán bộ”, ông Nam nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp thêm ý kiến: Thách thức trong thực thi Hiệp định CPTPP lớn hơn nhiều so với các FTA trước đây của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với chương trình mạch lạc, hành động cụ thể. Vấn đề đặt ra là làm sao để tất cả các cơ quan nhà nước và DN cùng vào cuộc nhằm cải cách hệ thống một cách thực chất, toàn diện, hiệu quả, góp phần tận dụng tốt nhất cơ hội mà Hiệp định CPTPP đem lại.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên cam kết về mở cửa thị trường như Hiệp định TPP trước đây
Với Hiệp định CPTPP, tất cả quy định về hình thức cắt giảm, lộ trình cắt giảm, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị tường mua sắm công hay dịch vụ thị trường đầu tư… đều được giữ nguyên. Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ rút khỏi TPP nên Hiệp định CPTPP có điều chỉnh linh hoạt trong một số lĩnh vực. Với các nghĩa vụ dỡ bỏ chính thức mà tất cả các nước cùng đồng ý thì đưa vào mục “tạm hoãn nghĩa vụ”. Việc tạm hoãn được áp dụng đến khi Hoa Kỳ trở lại. Nếu sau một khoảng thời gian, Hoa Kỳ chắc chắn không quay trở lại, các nước sẽ cùng bàn xem có tiếp tục tạm hoãn hay không. Có khoảng 20 nghĩa vụ như vậy.
Trong nhóm đó, nội dung quan trọng nhất liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Lý do là bởi, để bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ phải có tiền, có nguồn lực. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, những ưu đãi về mở cửa thị trường bị giảm đi nên những yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng được gỡ bớt đi. Với Việt Nam, liên quan đến Hiệp định CPTPP còn có thêm một số thư trao đổi riêng với các nước. Những lĩnh vực trước đây ở Hiệp định TPP, các nước đều nhận thấy Việt Nam có lợi nhất do có Hoa Kỳ, nay Hoa Kỳ rút ra thì Việt Nam được gỡ bớt những nghĩa vụ cao của hiệp định. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, Việt Nam về cơ bản có quyền tự quyết chủ động hơn trong lựa chọn chính sách. Trong 3 năm đầu Hiệp định CPTPP có hiêu lực, không có nước nào khiếu kiện Việt Nam trong vấn đề lao động. Một số nghĩa vụ đặc biệt trong lĩnh vực lao động, các nước cũng dành cho Việt Nam thời gian lâu hơn. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các nước cũng dành khoảng thời gian nhất định không khiếu kiện với Việt Nam…
Nguồn: Đức Quang/Hải quan