Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, chuyên gia thương hiệu, chuyên gia kinh tế cùng lãnh đạo Bộ Công Thương đã đối thoại thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, thương hiệu quốc gia...

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện doanh nghiệp đạt "Thương hiệu Quốc gia", ông Hồ Văn Vân - Giám đốc nhà máy nước khoáng Thạch Bích cho hay: sắp tới, Việt Nam hội nhập sâu vào các hiệp định thương mại, định chế quốc tế như TPP, APEC, FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN, ngành giải khát trong nước phải cạnh tranh lớn bởi các tập đoàn nước giải khát khổng lồ, các chiến lược thâm nhập của nhiều đối thủ ở nước ngoài.

"Ngành sản xuất và kinh doanh nước giải khát trong nước còn bị cạnh tranh về công nghệ, chất lượng, thậm chí về giá thành sản phẩm khi các rào cản thuế quan bị gỡ bỏ. Tình trạng mua bán, sát nhập các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", ông Vân khẳng định.

Theo ông Vân, trước cơ hội và thách thức này, các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia cần phải xác định rõ vai trò của mình. Cục Xúc tiến Thương mại tìm cách gắn kết các doanh nghiệp đạt "Thương hiệu Quốc gia" lại với nhau thành một khối thống nhất, đồng hành và hỗ trợ nhau phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với quốc tế, kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, thực phẩm, nông sản nhập khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện chính sách đầu tư khoa học công nghệ hiệu quả...

 

Nhà máy nước khoáng Thạch Bích đạt thương hiệu quốc gia - Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, một trong những chuyên gia hàng đầu về thương hiệu cho rằng, nếu như nhiều quốc gia trên thế giới phát triển thương hiệu thông qua du lịch, quảng bá văn hóa bản địa thì Việt Nam lại tiếp cận bằng cách xây dựng chứng nhận thương hiệu. Doanh nghiệp đạt chất lượng tiêu chuẩn được sử dụng logo của chương trình như một bằng chứng về năng lực của doanh nghiệp.

Theo TS Thịnh, đây là một hướng đi hoàn toàn phù hợp với Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình "Thương hiệu Quốc gia" còn nhiều hạn chế, các sản phẩm bình chọn đầu tiên chủ yếu nhắm đến sản phẩm xuất khẩu như gạo, cà phê, điều...

“Trong giai đoạn đầu tiên chúng ta mới chỉ chọn ra sản phẩm đặc trưng, có uy tín, sản lượng lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường như cà phê, gạo, hồ tiêu... Nhưng hiện nay các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đặc biệt sản phẩm liên quan đến nông nghiệp của Việt Nam ra thế giới chưa thể hiện được thương hiệu của mình.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài lại mang thương hiệu của nhà phân phối nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng nước ngoài khó nhận diện sản phẩm VN”, TS Thịnh cho hay.

Cũng theo TS Thịnh, tính trong năm 2014,  chương trình chọn ra được 63 thương hiệu đạt chuẩn, con số này quá nhỏ so với Thái Lan (1 năm chọn được trên 300 thương hiệu quốc gia).

Trên cơ sở mục tiêu của chương trình là tạo hình ảnh tốt đẹp cho Việt Nam thông qua sản phẩm xuất khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, theo TS Thịnh có 4 vấn đề cần giải quyết cấp bách.

Thứ nhất, ngoài việc gắn logo thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải kết nối giá trị thông qua hoạt động du lịch, quảng bá văn hóa bản địa.

Thứ hai, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, năng lực để doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu. Mục tiêu chương trình thương hiệu quốc gia chỉ hỗ trợ, trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu vẫn thuộc về doanh nghiệp.

Thứ ba, hiện nay, "Thương hiệu Quốc gia" chỉ lựa chọn thương hiệu riêng của doanh nghiệp, các sản phẩm gắn liền với đặc sản trong nước chưa có điều kiện tham gia chương trình. Nếu làm được như quả vải trong thời gian vừa qua sẽ giúp người nước ngoài nhận diện được sản phẩm thương hiệu Việt Nam.

Cuối cùng, theo TS Thịnh, gia tăng uy lực của chương trình "Thương hiệu Quốc gia" để sản phẩm được công nhận trở nên có giá trị cao hơn.

Kiều Linh