1. Tiêu chuẩn tự nguyện

Các nhà cung cấp tham khảo các tiêu chuẩn tự nguyện, có thể bao gồm các yếu tố an toàn khi sản xuất sản phẩm hoặc khi mua hàng. Việc tham khảo này giúp đảm bảo rằng hàng hoá mà họ cung cấp an toàn, ngăn ngừa việc phải thực hiện thu hồi sản phẩm. Theo Luật Úc, hàng hoá không bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn tự nguyện nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều tiêu chuẩn bắt buộc dựa trên các tiêu chuẩn tự nguyện.

2. Tiêu chuẩn bắt buộc và lệnh cấm

Tiêu chuẩn bắt buộc là những đặc tính hay thuộc tính bắt buộc đối với các sản phẩm, hàng hóa hoặc là thông tin bắt buộc hay mô tả về sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Úc. Nếu hàng hóa nhập khẩu vào Úc không đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì bị coi là phạm luật.

Tiêu chuẩn bắt buộc bao gồm những quy định, yêu cầu hay điều kiện tối thiểu đối với mỗi sản phẩm hay hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào Úc. Những quy định này được đưa ra nhằm tránh hoặc giảm thiểu rủi ro hàng hóa có thể gây sát thương hoặc gây hại, hoặc bị hỏng trong quá trình sử dụng.

Trong trường hợp có bằng chứng cho thấy rằng một sản phẩm có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, lệnh cấm hoặc các tiêu chuẩn bắt buộc sẽ được xây dựng. Nhiều người nghĩ rằng tất cả các sản phẩm được bán ở Úc đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Điều này không đúng. Các lệnh cấm và các tiêu chuẩn bắt buộc chỉ được thực hiện khi có bằng chứng cho thấy sản phẩm đó có nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, gây bệnh hoặc tử vong.

 Vì các sản phẩm liên tục thay đổi do thời trang, thiết kế và công nghệ mới nên các nhà quản lý liên tục theo dõi thị trường để phát hiện và quản lý các sản phẩm không an toàn tiêu thụ trên thị trường.

 Tiêu chuẩn an toàn

Nếu một hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của tiêu chuẩn bắt buộc thì hàng hóa đó phải đáp ứng được các tiêu chí an toàn cụ thể trước khi được nhập khẩu để tiêu thụ tại Úc.

Các tiêu chí an toàn

 Trong khi sử dụng, vận hành, thao tác

  • Kết cấu
  • Thành phần
  • Phương pháp sản xuất, gia công, chế biến
  • Thiết kế mẫu mã
  • Quá trình sản xuất
  • Hoàn thiện sản phẩm
  • Đóng gói hoặc đính, gắn nhãn hàng

Tiêu chuẩn bắt buộc về thông tin mô tả sản phẩm/hàng hóa

Các tiêu chuẩn bắt buộc về thông tin mô tả sản phẩm được đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng về một sản phẩm hay hàng hóa để giúp họ quyết định có nên mua hàng hóa đó hay không.

Các tiêu chuẩn về thông tin mô tả sản phẩm không nhất thiết phải liên quan đến khía cạnh an toàn của một sản phẩm. Ví dụ, các tiêu chuẩn về thông tin mô tả có thể là nhãn hàng ghi rõ thành phần của một loại thực phẩm như thành phần dinh dưỡng hay hàm lượng các chất phụ gia, chất bảo quản được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm hoặc thành phần dược lý đối với đồ mỹ phẩm, hoặc nhãn quy định đối với các mặt hàng thuốc lá hoặc các sản phẩm may mặc và sản phẩm dệt.

Thu hồi sản phẩm

Khi các nhà cung cấp nhận thấy các sản phẩm bị lỗi hoặc không an toàn, họ có thể tiến hành thu hồi tự nguyện để loại bỏ sản phẩm khỏi thị trường. Theo Luật Người tiêu dùng Úc, một Bộ trưởng có liên quan cũng có thể ra lệnh bắt buộc thu hồi sản phẩm, nếu cần thiết.

ACCC quản lý một hệ thống thu hồi quốc gia để thu hồi các sản phẩm không an toàn và công bố tất cả các sản phẩm bị thu hồi trên website.

Trách nhiệm về sản phẩm

Luật về trách nhiệm sản phẩm và các quy định về thu hồi hỗ trợ hệ thống các quy định và tiêu chuẩn tự nguyện.

5. Thông báo tác động văn bản pháp luật

Khi xem xét tiêu chuẩn bắt buộc của một sản phẩm, Chính quyền Liên bang thường tổ chức nghiên cứu, tham vấn đại diện của các ngành hàng và của người tiêu dùng trước khi đưa ra thông báo về tác động văn bản pháp luật (Regulation Impact Statement - RIS). Bản thông báo này được đưa ra trên cơ sở xem xét các nội dung sau đây:

  • Các bên liên quan, ảnh hưởng đến sản phẩm và thị trường
  • Nguyên nhân gây nên tác hại tiềm tàng
  • Biện pháp giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng
  • Tác động kinh tế xã hội tiềm tàng của văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật.

6. Áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc

Luật người tiêu dùng Úc điều chỉnh các quan hệ mua bán, trao đổi, thuê và cho thuê đối với hàng hóa hoặc cho, biếu, tặng đối với dịch vụ.

Tiêu chuẩn bắt buộc đối với một sản phẩm được áp dụng đối với bất kỳ ai, đối tượng nào có liên quan đến việc cung ứng, nhập khẩu sản phẩm đó vào thị trường Úc. Tiêu chuẩn bắt buộc bao gồm các thông tin sau đây:

  • Nhà sản xuất
  • Nhà nhập khẩu
  • Nhà phân phối, cung ứng
  • Nhà bán lẻ
  • Bên thuê mượn.

7. Xử phạt vi phạm quy định về an toàn sản phẩm

Theo Luật Người tiêu dùng của Úc, mức phạt đối với việc vi phạm tiêu chuẩn an toàn bắt buộc của sản phẩm hoặc các quy định cấm cụ thể như sau:

  • Đối với doanh nghiệp, mức phạt tối đa có thể lên tới 1,1 triệu đô la Úc
  • Đối với cá nhân, mức phạt tối đa có thể lên tới 220.000 đô Úc.

Xem quy định chung về an toàn sản phẩm tại đây

Thương vụ Việt Nam tại Australia

Nguồn: Vietnamexport.com