Hơn 30 “ông lớn” đã tham dự hội nghị “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng khối doanh nghiệp (DN) trung ương hội nhập quốc tế”, do Đảng ủy khối DN Trung ương tổ chức ngày 18-10.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng quá trình hội nhập đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.

Đóng cửa nhà máy vì thép Trung Quốc

Nói về thách thức của ngành thép, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa thừa nhận: “Phần lớn các DN thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Hiện tại, với khả năng ứng phó kém nên các DN thép chưa thể giải quyết tốt những áp lực từ nguồn thép rẻ đang tràn vào Việt Nam”.

Ông Đa dẫn chứng, mới đây DN Trung Quốc lách luật, tăng cường xuất khẩu phôi thép có chứa crom vào Việt Nam vì phôi thép chứa crom được coi như thép luyện kim. Khi xuất khẩu phôi thép trộn crom, các DN xuất khẩu của Trung Quốc vừa được hưởng hoàn thuế 13% từ Trung Quốc, vừa hưởng thuế suất 0% của Việt Nam. Điều này đã làm cho nhiều nhà máy sản xuất phôi thép của Việt Nam phải đóng cửa.

Ngoài khó khăn trên, theo ông Đa, các DN sản xuất thép của Việt Nam còn phải đối mặt với các vụ kiện tranh chấp thương mại. Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua ngành thép đã bị kiện ba lần. Còn từ trước tới nay ngành này đã phải đối phó với 20 vụ kiện.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Lê Tiến Trường thì cho rằng thách thức lớn nhất đối với ngành dệt may là nguyên tắc xuất xứ từ sợi khi gia nhập TPP. Bởi lẽ hiện nay phần lớn sợi ngành dệt may đang nhập từ Trung Quốc. Nếu tuân theo quy tắc xuất xứ từ sợi thì sản phẩm dệt may dùng sợi nhập từ Trung Quốc sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi khi gia nhập TPP.

“Hơn nữa, năng lực hoạt động của các DN dệt may trong nước nhìn chung còn yếu với đa số là các DN vừa và nhỏ. Nhiều DN vẫn chỉ chấp nhận hoạt động gia công chứ chưa xác định được chiến lược phát triển dài hạn, một phần do hạn chế về vốn và trình độ quản lý” - ông Trường nêu thực trạng.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Sỹ Lực, Tập đoàn Cao su Việt Nam, nói một trong những khó khăn của ngành cao su khi hội nhập là Việt Nam còn kém xa nhiều quốc gia trong ASEAN về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, trình độ khoa học công nghệ và quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của DN.

“Có vận động hành lang”

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định rằng tái cơ cấu là nhiệm vụ sống còn để thích ứng với hội nhập. Bộ trưởng Hoàng cũng khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm thông tin về hội nhập, về các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết.

“Các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã làm rất tốt điều này. Việt Nam cam kết gì trong các hiệp định họ đều nắm rõ hết, thậm chí còn có những cuộc vận động hành lang” - ông Hoàng nói.

Ông Nghiêm Xuân Đa thì cho hay để đối phó với những thách thức trong quá trình hội nhập, ngành thép sẽ mở rộng các liên doanh (như Thép Việt-Úc), đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường năng lực đầu tư, nâng cao công suất… Ông Đa cũng cho biết Tổng Công ty Thép sẽ mở rộng xuất khẩu lên 250.000 tấn/năm.

Còn theo ông Lê Tiến Trường, để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ sợi của TPP, ngành dệt may sẽ triển khai chương trình phát triển cây bông, trong đó chú trọng xây dựng các vùng trồng bông có tưới. Lựa chọn, đầu tư bổ sung các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành dệt.

Không được vi phạm cạnh tranh

Nhiều tập đoàn, tổng công ty đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ về thuế, vốn, đất đai, thị trường… để họ có thể hội nhập.

Ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có cơ chế khuyến khích các DN xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn, ưu tiên dành một thị phần nhất định trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho đội tàu biển Việt Nam.

“Đồng thời có hệ thống chính sách ưu đãi về thuế, phí cho các DN xuất nhập khẩu Việt Nam” - ông Sơn đề nghị.

Tuy nhiên, thông tin về TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết một trong những nguyên tắc của TPP là không được kỳ thị DN tư nhân. “Các đối tác yêu cầu DN nhà nước tuân thủ nguyên tắc thị trường, nếu có nắm giữ ngành độc quyền thì không được vi phạm cạnh tranh. Đồng thời phải công khai, minh bạch thông tin” - Thứ trưởng Khánh cho hay.

Thông tin thêm, ông Khánh nói TPP quy định Nhà nước không trợ cấp quá mức cho các DN nhà nước. “TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để hoàn thiện thể chế. Trước đó, tám hiệp định thương mại tự do (FTAs) không yêu cầu điều này” - ông Khánh nhấn mạnh.

 

Đầu tư ra nước ngoài 85.000 tỉ đồng

Bí thư Đảng ủy khối DN Trung ương Bùi Văn Cường cho hay khối DN này có 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng với quy mô lớn, là nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia như điện, xăng dầu, than, khoáng sản, hàng không, đường sắt… Các DN khối đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động.

Các tập đoàn, tổng công ty trong khối đã có 50 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị đăng ký là 104.000 tỉ đồng, đã triển khai thực hiện trên 85.000 tỉ đồng.

So với năm 2010, năm 2015 vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối tăng tới trên 74,3%, đạt 1.178.000 tỉ đồng; tổng tài sản tăng trên 66,4%, đạt 5.744.000 tỉ đồng.

Bảo hộ mãi mà giá đường cứ cao

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng đối với một số ngành hàng còn yếu kém thì Việt Nam đấu tranh bảo hộ để các ngành hàng khắc phục điểm yếu, vươn lên để cạnh tranh.

“Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh bảo hộ các ngành hàng như đường, muối, trứng gia cầm, lá thuốc lá… Tuy nhiên, việc bảo hộ này cũng có hai mặt. Chẳng hạn đối với đường, Việt Nam bảo hộ từ năm 2007 khi gia nhập WTO. Vậy mà tới nay giá đường vẫn rất cao. Người dân có chấp nhận không là một vấn đề” - Bộ trưởng Hoàng nói.

Theo Chân Luận

Pháp Luật TPHCM

Nguồn: Pháp Luật TPHCM