Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp (DN) mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, đây là một việc làm chưa từng có tiền lệ của Việt Nam trong thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Công Thương đối với sự phát triển của ngành mía đường.
Để chủ động và thực thi hiệu quả ATIGA sau khi trì hoãn, ngày 20/2/2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1034/BCT-XNK, đề nghị VSSA thông báo rộng rãi tới các DN thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết này kể từ ngày 1/1/2020, để các bên liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. 
Liên quan đến triển khai Văn bản 1034, theo đề nghị của VSSA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có cuộc làm việc nhằm trao đổi về các bước đi, biện pháp… để phối hợp triển khai thực hiện. Thế nhưng, nhiều DN mía đường chưa chủ động, tự tin để thích ứng, thậm chí vẫn mong muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ. DN cũng kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ sau khi ATIGA có hiệu lực, chỉ cho nhập khẩu đường thô để tinh luyện và áp dụng cấp giấy phép nhập khẩu để theo dõi đường nhập khẩu nhằm đảm bảo điều tiết cung - cầu tại các thời điểm nhất định; trình Quốc hội áp thuế giá trị gia tăng 0% đối với đường trong nước; dừng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019… Đây là những kiến nghị rất khó thực hiện theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa. Với kiến nghị của các DN đường, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Bộ Công Thương sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện lộ trình hội nhập đảm bảo đầy đủ, đúng lộ trình, thực thi hiệu quả các cam kết, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh cũng như lợi ích của tất cả các bên có liên quan. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu đường, góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, qua đó giúp các DN đường phát triển và hội nhập…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi thông báo tới các đối tác ASEAN về việc tạm đình chỉ thực hiện Điều 20 tại Hiệp định ATIGA đến hết năm 2019 đối với mặt hàng đường. Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.

Nguồn: Lan Ngọc/Báo Công thương điện tử