Sẽ công khai mọi giao dịch nếu DNNN được "chiều chuộng"

Chiều nay 9/10, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, một trong những nghĩa vụ chính của Hiệp định về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bao gồm các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Bên cạnh đó, Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác. 

Các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. 

Thứ trưởng Khánh khẳng định, Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. 

"Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp", Thứ trưởng Khánh khẳng định.
 
Trước thắc mắc của giới báo chí về Hiệp định TPP yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công khai tài chính đầy đủ cũng như các giao dịch tài chính khác? 

Thứ trưởng Khánh nói:"Những gì thuộc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp không ai được quyền đòi hỏi công bố. Chỉ khi nào nhận thấy doanh nghiệp có biểu hiện đang được hỗ trợ quá mức của nhà nước, gây tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư các bên mới phải thông tin".

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Khánh, yêu cầu này xảy ra giữa chính phủ với chính phủ chứ không phải bắt các doanh nghiệp nhà nước phải công bố các thông tin.

Nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện Chính phủ ra trọng tài quốc tế

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, theo TPP, khi nhà đầu tư nước ngoài đến lãnh thổ xa lạ, để bảo đảm cho khoản đầu tư, nhà đầu tư đó cần có cơ chế để bảo vệ cho mình. Theo đó, nhà đầu tư được phép đưa Chính phủ ra trọng tài quốc tế để xứ lý các tranh chấp. 

Tương tự, các nhà đầu tư trong nước cũng có nhiều cơ chế để bảo vệ, như kiện ra tòa án.

"Khi TPP được ký kết, luật TPP sẽ trở thành pháp luật trong nước và khi đó, nhà đầu tư trong nước có quyền kiện Chính phủ nhưng cơ quan kiện là tòa án trong nước chứ không phải trọng tài nước ngoài. Thiết chế trong nước đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước", Thứ trưởng Khánh khẳng định.

Thứ trưởng Khánh cũng cho hay, trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử, bao gồm  không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau (dành đãi ngộ tối huệ quốc) và  không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài (dành đãi ngộ quốc gia) . Nước nào có nhu cầu phân biệt đối xử thì bảo lưu biện pháp phân biệt đối xử đó trong Phụ lục kèm theo Hiệp định. 

"Với mục tiêu thu hút mạnh đầu tư vào khu vực TPP (chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu), các nước đặt ra kỳ vọng rất cao cho lĩnh vực dịch vụ - đầu tư. Các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP

Kiều Linh - Huyền Thương