Năm 2017, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt cao hơn con số được Quốc hội giao (tăng trưởng 6-7% so với năm 2016). Và dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ ký kết có thể giúp mục tiêu trên trở thành hiện thực.

Theo Bộ Công Thương, bước qua năm 2016 với nhiều khó khăn, XK năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ "lực đẩy" từ hàng loạt các FTA đã ký kết. Thực tế cho thấy, năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nhiều sản phẩm XK giảm sút, đặc biệt là sản phẩm thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản, nhiên liệu khoáng sản nhưng lượng hàng hóa XK sang một số thị trường vẫn gia tăng nhờ FTA. Đơn cử, FTA Việt Nam - Hàn Quốc được đánh giá là FTA tận dụng hiệu quả nhất khi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước không ngừng gia tăng trong suốt năm 2016 và đầu năm 2017. Trong tháng 1/2017, thị trường Hàn Quốc tăng trưởng đều cả kim ngạch XK và nhập khẩu, tương ứng với con số 29,4% và 30%. Đây là thị trường được kỳ vọng tiếp tục có đột phá trong năm 2017.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng XK vào thị trường này, đặc biệt là mặt hàng dệt may. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kim ngạch XK hàng hóa Việt vào Mỹ vẫn tăng trưởng trong năm 2017 bởi nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này đang gia tăng. Tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK hàng hóa sang Mỹ tăng trưởng nhẹ ở mức 0,3%. Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của nước ta.

Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam đang tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định được kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết ngay trong năm 2017. Dù được đánh giá là khó có thể thay thế được TPP nhưng RECP cũng mang đến cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa XK bởi các thành viên tham gia hai hiệp định TPP và RCEP khá tương đồng nhau, chỉ khác ở chỗ ngoài ASEAN, Nhật Bản, Australia, New Zealand thì TPP bao gồm thêm Mỹ, Canada, Chile, Peru, Mexico; RCEP có thêm Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tức là nếu so với TPP, RCEP mang đến cho Việt Nam thêm cơ hội tiếp cận sâu hơn các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Trong năm 2016, tổng kim ngạch XK sang 3 thị trường này là 36 tỷ USD, tương đương 20,4% tổng kim ngạch XK hàng hóa của nước ta.

Báo cáo đánh giá tác động của RCEP đối với kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Dự án Hỗ trợ chính sách và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) thực hiện cho thấy, các lợi ích từ RCEP là tương đối nhỏ, tuy nhiên cũng đủ quan trọng để tiến hành đàm phán hiệp định này. Tham gia RCEP, XK của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 2,4 - 3,9%. Giá trị XK tăng lên nhiều nhất là sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong buổi họp giao ban Bộ Công Thương tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Bên cạnh việc mở rộng các thị trường mới, cần đặc biệt chú trọng đến các thị trường quen thuộc, có tiềm năng như Trung Quốc bởi đây sẽ là "bệ đỡ" cho hàng hóa XK của nước ta, đặc biệt khi doanh nghiệp đang gặp phải các rào cản phi thương mại ở những thị trường mới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 của cả nước đạt 29,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XK ước khoảng 14,6 tỷ USD, cao hơn 7,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử