Nhận diện thách thức và cơ hội sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế Việt Nam thích ứng tốt nhất khi thực thi các cam kết.

Hội nhập để tự chủ về kinh tế

Trong số các FTA đã ký kết, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) được xem là quan trọng nhất, điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống vốn phổ biến trong các FTA, đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm chính phủ, DN nhà nước; và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức nghiên cứu khác, nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP (tính theo tỷ lệ phần trăm tăng trưởng GDP và xuất khẩu thêm được nhờ có TPP).

Một trong những lợi ích lớn nhất TPP kỳ vọng đem lại là xuất khẩu. Theo báo cáo mới được Bộ Công thương trình Chính phủ, mức tăng kim ngạch ước tính đối với ngành Dệt may khi TPP có hiệu lực, có thể đạt 30 -40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3 - 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi. Đơn cử như xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ, từ mức 10 tỷ USD đạt được năm 2014, có thể tăng lên 16 tỷ USD vào năm 2018, ngay khi TPP có hiệu lực và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD.

Với quy mô xuất khẩu đủ lớn, ngoài việc có thể tạo thêm hàng triệu việc làm mới, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” cũng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP…

Quan trọng hơn, theo Bộ Công thương, việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ và cùng với đó là EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh dựa quá mạnh vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN như hiện tại. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Thách thức kép

Không có cạnh tranh thì không thể trưởng thành được, đó là nguyên tắc. Giống như đứa trẻ được mẹ chăm sóc, bú mớm, nếu cứ mãi ở trong vòng tay của mẹ, không giao tiếp với bên ngoài, đứa trẻ sẽ xanh xao vàng vọt, rồi sẽ chẳng biết làm gì. Điều đó mới có câu chuyện chúng ta hội nhập thế giới, nó sẽ tạo môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải vận động.

ong khoan

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

 


 Cơ hội đối với TPP nói riêng và các FTA nói chung là rất lớn, nhưng trên thực tế, việc có biến cơ hội thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc vào năng lực ứng phó của DN và của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiện mới có 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Điều này cũng đồng nghĩa, có tới 65% lượng hàng hóa còn lại vẫn phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi), cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0% - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.

Một trong những nguyên nhân được cơ quan này chỉ ra là do DN chưa có hiểu biết đầy đủ về các điều kiện của từng hiệp định nên đã không tận dụng được cơ hội từ các FTA đem lại. Số lượng DN quan tâm đến hội nhập còn quá ít so với các nước trong khu vực. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào tháng 12/2015 đã cho thấy, chỉ có 9% DN Việt Nam tìm hiểu tương đối kỹ về TPP, 91% còn lại biết quá ít hoặc không biết.

Trong khi DN trong nước còn hiểu lơ mơ về TPP, đồng thời gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng điều kiện của các hiệp định, thì các DN nước ngoài đã sẵn sàng cho cuộc “đổ bộ”. Theo Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2016, Thái Lan đã đầu tư khoảng 7,88 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 2.000 DN Thái Lan đăng ký qua Đại sứ quán để đầu tư vào Việt Nam. Thương vụ Central Group mua chuỗi siêu thị Nguyễn Kim và hệ thống bán lẻ Big C gần đây là minh chứng sinh động cho các cuộc “đổ bộ” đó của DN Thái.

Biến thách thức thành cơ hội

“Dù biết những cơ hội, thách thức mà TPP đặt ra cho cộng đồng DN nhưng không phải DN nào cũng có sự chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi khi hiệp định này có hiệu lực”, ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh (HUFO) cảnh báo tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây. Ông Quốc cho rằng, dù TPP chưa thể có hiệu lực trong một, hai năm tới đây, tuy nhiên khoảng thời gian vài ba năm cũng không phải là dài để các DN chuẩn bị.

Để hội nhập thành công, theo TS Trần Đình Thiên, điều kiện tiên quyết là chuẩn bị năng lực cạnh tranh thật tốt. Như ngành Nông nghiệp, trước nay vẫn được coi là thế mạnh nhưng thực ra chỉ mạnh ở sản lượng chứ không mạnh về chất lượng, nên phần giá trị gia tăng không nhiều. Vì vậy, phải tìm cách tăng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp... Công nghiệp cũng không thể chỉ dựa vào khai thác, lắp ráp mà phải chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao. Cùng với đó, bản thân từng DN phải nâng cao năng lực của mình.

Về phía cơ quan Chính phủ, hiện Bộ Công thương đang xúc tiến thành lập những tổ công tác thực thi các hiệp định với EU và TPP. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết, tổ công tác này có nhiệm vụ sẽ phải tìm ra được những biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, hỗ trợ DN Việt Nam và tận dụng khai thác tối đa các hiệp định cũng như giảm thiểu các mặt tiêu cực.

Nguồn: Hoàng Lâm/thoibaotaichinhvietnam.vn