“Không phải không thể đảm bảo nguồn cung quặng sắt hay không thể duy trì hoạt động sản xuất thép do thiếu hụt nguồn cung. Vấn đề là giá quặng sắt”, Giám đốc tài chính Masashi Terahata của công ty JFE Holdings (Nhật Bản) lý giải cho cảnh báo về rủi ro giá thép tăng mạnh.
Ông cho biết công ty cần phải chuyển phần chi phí quặng sắt và các chi phí khác vào giá sản phẩm trong năm tài chính tính đến hết tháng 3/2020. Hiện tại, JFE phải chịu chi phí cao cho các vật liệu phụ trợ và hoạt động phân phối.
Trong tháng 5, giá quặng sắt lên cao nhất kể từ năm 2014. Nguyên nhân là thảm họa vỡ đập chất thải tại Brazil của tập đoàn khai khoáng Vale khiến hàng loạt cơ sở khai thác khác phải đóng cửa, dẫn tới nguồn cung quặng sắt trên thế giới bị hạn chế.
Dù Vale cam kết sẽ giao hàng đủ số lượng theo hợp đồng, JFE vẫn xem xét tìm nguồn cung khác từ Australia nếu tập đoàn này giảm xuất khẩu, theo ông Terahata. Hiện nguồn cung từ Brazil và Australia lần lượt chiếm 25% và 55% nhu cầu quặng sắt của JFE.
Giá quặng sắt có thể lên 120 USD/tấn
Ngày 10/6, giá quặng sắt ghi nhận phiên tăng mạnh nhất gần 2 tuần do tồn kho tại các cảng tiếp tục giảm trong khi nhu cầu có thể phục hồi trở lại. Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 9 trên sở giao dịch Đại Liên tăng 3,2% lên 729,5 nhân dân tệ/tấn (105,24 USD/tấn). Trong tuần trước, giá vật liệu thô này từng bắt đáy 3 tuần.
Tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc là 121,6 triệu tấn tính đến cuối tuần trước, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017 và ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt có thể phục hồi trong vài tuần tới do nhu cầu thép cho các dự án hạ tầng tăng, theo công ty phân tích dữ liệu thép và quặng sắt Tivlon Technologies. Theo ông Darren Toh, nhà khoa học dữ liệu tại Tivlon Technologies, giá quặng sắt giao ngay có thể đạt 120 USD/tấn vào tháng 8.
Diễn biễn giá quặng sắt giao ngay và giá cổ phiếu của JFE. Ảnh: Bloomberg.
Ngoài ra, giá than mỡ tăng 2,8% lên 1.415 nhân dân tệ/tấn, và giá than cốc tăng 0,7% lên 2.126,5 nhân dân tệ/tấn.
Kết quả, giá thép thanh giao tháng 9 trên sở giao dịch Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.717 nhân dân tệ/tấn (537,3 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 3.576 nhân dân tệ/tấn (516,9 USD/tấn).
Lo ngại xu hướng sáp nhập trong ngành thép Trung Quốc
Ông Terahata cho biết JFE chưa thấy bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bởi nhu cầu thép của Trung Quốc vẫn lớn trong bối cảnh chính phủ tăng cường chi tiêu công vào hạ tầng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 của Nhật Bản vẫn lo ngại Trung Quốc có thể bán thép giá rẻ sang các nước châu Á nếu nền kinh tế tăng trưởng trì trệ.
“Trung Quốc dự kiến đẩy mạnh làn sóng hợp nhất để tạo ra các nhà máy thép lớn tại khu vực ven biển, giống như ở Nhật Bản. Đồng thời, họ sẽ đóng cửa các nhà máy cũ và có quy mô nhỏ. Nếu các nhà máy thép tại Trung Quốc đều phát triển theo quy mô lớn như vậy, họ sẽ là mối đe dọa đối với chúng tôi”, ông Terahata cảnh báo.
Nước sản xuất thép lớn thứ 3 thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đẩy mạnh làn sóng hợp nhất trong ngành thép. Mới đây, nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, China Baowu Steel Group, tuyên bố sẽ nắm quyền kiểm soát một công ty thép khác là Magang Group Holdings.