Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào thời điểm lúc 14h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 39,05 triệu đồng/lượng - bán ra 39,27 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đ/lượng so với chiều cuối tuần qua ở cả chiều mua vào và bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 39,13 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng) - bán ra 39,33 triệu đồng/lượng (giảm 70.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 39,08 triệu đồng/lượng - bán ra 39,33 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 39,09 triệu đồng/lượng - bán ra 39,30 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng thế giới vẫn trên 1.400 USD/ounce
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 14h giao dịch ở mức 1.413,7 USD/ounce (tăng nhẹ 0,5 USD/ounce so với trưa hôm qua). Giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã tăng 1,4 USD/ounce lên mức 1.413,6 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 8,5% (110,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 39,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 200 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới có xu hướng nhích lên và vững trên ngưỡng 1.400 USD/ounce do giới đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào tín hiệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra trên thế giới.
Vàng tăng giá chủ yếu do đồng USD yếu, trong khi các đồng tiền khác cũng không thể mạnh lên khi mà ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước đều đang tính những biện pháp làm yếu đồng nội tệ.
Trong phiên giao dịch đầu tuần 15/7/2019 tại thị trường châu Á, giá vàng ít thay đổi sau khi Trung Quốc phát hành dữ liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý II của nước này chậm lại ở mức thấp nhất 27 năm, nhưng bằng với mức kỳ vọng.
Vàng, tài sản trú ẩn an toàn, ít thay đổi sau khi một loạt dữ liệu của Trung Quốc được phát hành sáng nay nhưng diễn biến khả quan nhờ một loạt các số liệu nhỏ công bố lạc quan hơn dự kiến.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 so với một năm trước đó, dữ liệu do Văn phòng thống kê công bố vào thứ Hai. Con số này bằng với mức kỳ vọng nhưng thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,4% của quý đầu tiên; trong khi đó, số liệu về tháng 6 cho thấy sản xuất công nghiệp (thực tế: 6,3%; kì vọng: 5,2%; kì trước: 5%), doanh số bán lẻ (thực tế: 9,8%; kì vọng: 8,5%; kì trước: 8,6%) và đầu tư tài sản cố định (thực tế: 5,8%; kì vọng: 5,6%; kì trước: 5,6%) đều đạt cao hơn mức dự báo.
Giá vàng đã tăng từ mức 1.200 USD/oz lên 1.400 USD/oz trong 2 tháng qua trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất giảm sẽ làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy giá vàng.
Thị trường cũng đang đón nhận một số tin tức kinh tế lạc quan đến từ Trung Quốc khi tổng sản phẩm quốc nội quý hai của nước này đã tăng 6,3%, so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng chậm nhất trong 27 năm. Điều này dẫn đến những dự đoán rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ hành động để tiếp tục kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện cũng chưa có thêm thông tin mạnh nào liên quan tới các vấn đề địa chính trị để kích thích giá vàng.
Giá dầu thô trên thị trường Nymex đêm qua đã giảm nhẹ và chỉ còn 59,5 USD/thùng. Chỉ số đô la Mỹ ổn định.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa ở mức trung bình phiên hôm qua. Xét về tổng thể, xu hướng tăng giá vẫn có lợi thế ngắn hạn.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo giá kim loại quý là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 6 là 1.442,9 USD/ounce. Ngược lại, nếu tăng giá bất thành, giá vàng sẽ phải đối mặt với ngưỡng hỗ trợ 1.409,3 USD và sau đó là 1.400 USD/ounce.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng chỉ trích và gây áp lực đối với Fed. Nó cho thấy khả năng Mỹ can thiệp làm yếu đồng USD đang lớn dần.
Bên cạnh Mỹ, nhiều NHTW khác cũng thiên về các biện pháp nới lỏng tiền tệ như trường hợp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Nhật.
Trước đó, NHTW Úc đã giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm xuống mức 1% trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giảm thất nghiệp và nâng lương. Các NHTW Iceland, Chi Lê, Ấn Độ, Nga, New Zealand… cũng đều đã giảm lãi suất 25-75 điểm phần trăm. Nhật Bản duy trì lãi suất âm 0,1% trong khi Thụy Điển và Thụy Sỹ lần lượt âm 0,25% và 0,75%.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet